Thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:24, 27/09/2019
Tại nhiều địa phương, bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã có khoảng 140.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 16 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng tới hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng nói, số ca nhập viện vì SXH gia tăng, trong đó có không ít thai phụ. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân SXH phải nhập viện điều trị nội trú trong tháng 8 và tháng 9 tăng cao, với 66 bệnh nhân nặng, trong đó có 1/4 số ca mắc SXH là phụ nữ có thai.
Còn tại Khoa Phụ sản 1, Bệnh viện Thanh Nhàn, hai tháng trở lại đây, khoa đã tiếp nhận hơn 10 ca thai phụ bị SXH đến khám và điều trị.
Tại đây, thai phụ Nguyễn Thị Mai, 29 tuổi, ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, mang thai tuần thứ bảy, đang điều trị ngày thứ ba. Chị Mai vào viện trong tình trạng sốt, mệt mỏi. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị SXH. Tình trạng bệnh đã được cải thiện nhưng chị vẫn phải tiếp tục theo dõi vì tiểu cầu vẫn khá thấp, ở mức 110G/L trong khi bình thường là 150-340G/L.
Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Trưởng khoa Phụ sản 1, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, từ đầu năm đến nay, khoa chưa ghi nhận trường hợp thai phụ bị sảy thai hoặc sinh non do SXH. Tuy nhiên, công tác đã nhiều năm, bác sĩ Thắng chứng kiến một số trường hợp thai phụ bị sảy thai do chủ quan không đi khám sớm khi có dấu hiệu của bệnh.
Giống như người bình thường, thai phụ khi mắc SXH có dấu hiệu điển hình như mệt mỏi, sốt cao kèm run rẩy, đau đầu, khô miệng, ăn không ngon miệng, đau người, nặng hơn là chảy máu chân răng, chảy máu mũi.
Khi mang bầu, hệ miễn dịch của phụ nữ bị suy yếu, tạo cơ hội cho virus có điều kiện phát triển mạnh, từ đó thai phụ dễ bị nhiễm bệnh nặng hơn.
Thai phụ bị SXH sẽ rất nguy hiểm, bởi có thể gây ra biến chứng cho cả thai phụ và thai nhi. Khi mang thai trong ba tháng đầu, thai phụ mắc SXH dễ có nguy cơ sảy thai; còn ở những tháng cuối thai kỳ, dễ xảy ra tình trạng sinh non, con sẽ bị nhẹ cân và có thể tử vong.
Với những thai phụ ở giai đoạn cuối thai kỳ và sắp đến ngày sinh nở, bị SXH, giảm tiểu cầu dễ làm chảy máu, cùng với đó là chảy máu trong lúc sinh nở sẽ dễ bị rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và thai nhi.
“Vì vậy, khi có dấu hiệu ban đầu của bệnh SXH, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi, không tự ý mua thuốc điều trị”, Trưởng khoa Phụ sản 1, Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo.
Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng thận, gan cho thai phụ và nắm bắt được tình trạng của thai nhi.
Chuyên gia này cũng chia sẻ chế độ dinh dưỡng của thai phụ bị SXH. Đó là, bổ sung nhiều nước; uống nhiều nước trái cây như cam, bưởi, ổi, nước dừa, bởi các loại quả này có chứa nhiều vitamin và khoáng chất; ăn cháo loãng hoặc súp để dễ hấp thu và có nhiều dưỡng chất tốt cho cả mẹ và con; tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay, nóng, đồ uống quá ngọt. Đặc biệt, thai phụ cần nghỉ ngơi, hạn chế suy nghĩ nhiều nhằm tránh ảnh hưởng đến thai nhi.