Nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt
Giao thông - Ngày đăng : 07:34, 27/09/2019
Là sinh viên năm 3 (Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), bạn Lê Đình Huân thường xuyên chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển hằng ngày. Huân cho biết, hình thức vận tải công cộng chủ lực này hiện đã có nhiều thay đổi tích cực. Đơn cử, ngoài xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, nhân viên có thái độ phục vụ tốt, các trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi (quận 1) đều được trang bị các trụ thông tin kết nối internet, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin vận tải hành khách công cộng toàn thành phố.
Theo kế hoạch của Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2020, khối lượng vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được từ 15% đến 20% nhu cầu giao thông đô thị. Trong đó, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và taxi đạt từ 15% đến 17%. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ giao thông vận tải công cộng cũng còn nhiều hạn chế.
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GT-VT), toàn thành phố hiện chỉ có hơn 17ha tổng diện tích các bến bãi sử dụng cho xe buýt, đạt hơn 21% so với quy hoạch. Tình trạng bến bãi xe buýt vừa thiếu, vừa phân bố không đồng đều giữa các khu vực dẫn đến khó khăn trong việc bố trí hệ thống mạng lưới tuyến xe buýt. Còn theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành xe buýt vẫn còn đơn lẻ, chưa đồng bộ.
Để giải quyết vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hải khẳng định, Sở GT-VT đang tiếp tục hoàn thành các dự án bến bãi xe buýt, điểm đầu mối trung chuyển hành khách tại huyện Nhà Bè (rộng 19.000m2); xây dựng bến xe buýt Hóc Môn (hơn 10.000m2); bến xe buýt tại huyện Bình Chánh (gần 14.000m2)... Dự kiến đến năm 2020, đưa vào hoạt động 6 bến xe. Ngoài ra, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ hoàn thành đề xuất 7 dự án cải tạo nâng cấp các điểm dừng xe buýt trên địa bàn quận, huyện theo hướng hiện đại, thuận tiện cho người dùng.
Bên cạnh đó, Sở GT-VT thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai các dự án xây dựng cổng tích hợp thông tin cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và ứng dụng cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng trên thiết bị di động; tiếp tục triển khai thí điểm hệ thống vé thông minh... Thực tế, 8 tháng năm 2019, khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt gần 412 triệu lượt hành khách, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt gần 63% so với kế hoạch năm 2019.
Công tác quy hoạch và phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cũng đang là một cách tiếp cận mà thành phố hướng đến để tăng cường hiệu quả, tích hợp phát triển giao thông công cộng vào quy hoạch sử dụng đất, nhằm tối ưu hóa tiếp cận giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.
Theo ông Trần Quang Lâm, ở cấp thành phố, việc xây dựng các khu đô thị mới phải bảo đảm có kết nối tốt với đường sắt đô thị và các dịch vụ gom khách thích hợp. Đồng thời, ngành GT-VT sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Thí điểm sử dụng mi ni buýt ở khu vực phù hợp; tổ chức làn đường ưu tiên xe buýt khu vực quận 1, 3; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp đội ngũ lái xe và nhân viên xe buýt để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách công cộng.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 137 tuyến xe buýt (trong đó có 99 tuyến xe buýt có trợ giá và 38 tuyến xe buýt không trợ giá) với 2.322 xe buýt (gồm 453 xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG và 1.869 xe sử dụng dầu diesel) tham gia hoạt động. Ngoài ra, thành phố còn có 282 xe đưa đón học sinh, sinh viên có hỗ trợ một phần chi phí của nhà nước.