Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm của Hà Nội: Ba chỉ tiêu về đích trước hạn 2 năm
Chính trị - Ngày đăng : 08:59, 27/09/2019
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cùng dự.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVI, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trong đó, Nghị quyết đề ra 17 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế, tăng thêm 4 chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố gồm: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa và tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng.
Cùng với đó, trong 17 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu, có 4 chỉ tiêu phấn đấu cao hơn so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố, gồm: Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới; số giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý.
Quá trình triển khai nghị quyết đến nay, đã có 3 chỉ tiêu đạt kế hoạch trong năm 2018, về đích sớm 2 năm (tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ); 13 chỉ tiêu tiếp tục thực hiện trong năm 2019, 2020 và dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch; 1 chỉ tiêu (do HĐND thành phố bổ sung) dự kiến không hoàn thành đó là tỷ lệ đô thị hóa (mục tiêu là 58-60%, nhưng nay mới đạt 49,2%)...
Về các nhiệm vụ chủ yếu, lĩnh vực kinh tế, giai đoạn 2016-2020, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng (GRDP giai đoạn 2016-2018 tăng 7,19%; năm 2019 ước đạt 7,45%; năm 2020 ước đạt 7,55%) và ước giai đoạn 2016-2020 tăng 7,31% đạt mục tiêu đề ra. Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 1,72 triệu tỷ đồng (giai đoạn 2016-2018 đạt 927,8 nghìn tỷ đồng), bằng 37% GRDP. Thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016-2018 đạt 14,5 tỷ USD, gấp 2,25 lần giai đoạn 2011-2015. Trong đó, năm 2018 thu hút 7,5 tỷ USD-lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau 30 năm hội nhập; đến nay có 5.095 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 41,3 tỷ USD...
Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ; tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo diện tích đạt 86%; hoàn thành nhiều khu đô thị hiện đại, chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho Thủ đô. Bên cạnh đó, nhiều dự án cải tạo môi trường được triển khai. Tiến độ xây dựng nông thôn mới khá nhanh, đời sống người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Về thực hiện 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, phát triển kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông đô thị; tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng trung bình hằng năm 0,3%. Công tác cải cách hành chính có chuyển biến mạnh mẽ, nhất là xây dựng chính quyền điện tử và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; Hà Nội duy trì lá cờ đầu về giáo dục và đào tạo; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2018 đạt 63,18%.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy có đạt mục tiêu đề ra, nhưng chưa có nhiều đột phá, đặc biệt chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu.
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị tuy có bước đột phá, nhưng việc tổ chức thực hiện và giám sát chưa thực sự chặt chẽ. Việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh ra ngoài khu vực nội đô cũ chưa bảo đảm tiến độ. Ô nhiễm môi trường (nước, không khí) ở mức độ báo động, nhất là khu vưc nội đô trung tâm. Tình trạng úng, ngập vẫn diễn ra và ngày càng thường xuyên hơn.
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có những chuyển biến nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu; chưa có sự thay đổi rõ nét về văn hóa ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng; bạo lực gia đình, hành xử thiếu văn minh, văn hóa, hiện tượng vô cảm vẫn còn tồn tại.
Quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh ở một số địa bàn có lúc còn thiếu chủ động; quản lý đất quốc phòng, địa hình có giá trị về quân sự ở một số địa phương chưa chặt chẽ. Hoạt động đối ngoại của các ngành, địa phương còn phân tán, mang tính sự vụ, thiếu đồng bộ...
Sau khi các thành viên trong đoàn giám sát trao đổi và phần giải trình của các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát các chỉ tiêu khó hoàn thành, đề xuất giải pháp để nỗ lực thực hiện đạt kết quả cao nhất trong thời gian tới. Trong đó, đồng chí lưu ý cần đề xuất những giải pháp cụ thể đối với những chỉ tiêu còn chưa đạt, so sánh các chỉ tiêu với các nhiệm kỳ trước để đánh giá rõ sự tăng trưởng.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo của UBND thành phố và triển khai quyết liệt của các sở, ngành trong thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết HĐND thành phố giao. Đối với 3 chỉ tiêu vượt (trường công lập đạt chuẩn, tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ, xây dựng nông thôn mới) là các chỉ tiêu về dân sinh, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện để đạt kết quả cao hơn.
Đối với 13 chỉ tiêu dự báo sẽ hoàn thành vào năm 2020, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành nỗ lực thực hiện. Trong đó, tập trung thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng; chỉ tiêu thu gom rác thải nông thôn; giường bệnh/vạn dân;...
"Đoàn giám sát sẽ phân tích kết quả của từng chỉ tiêu, dự báo kết quả đạt được đến hết nhiệm kỳ và kiến nghị cụ thể với UBND thành phố, báo cáo Thành ủy để tập trung chỉ đạo với mục tiêu cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, đặc biệt lưu ý với 1 chỉ tiêu dự kiến không đạt, để có phương hướng, giải pháp tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ tới", đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Với quyết tâm cao nhất, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát toàn bộ cơ chế chính sách, nếu cơ chế nào bất cập thì đề xuất sửa đổi cho phù hợp, để thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra.