Điều chỉnh tuổi pháp lý để chăm sóc trẻ tốt hơn
Đời sống - Ngày đăng : 07:39, 28/09/2019
Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc (Công ước CRC) vào tháng 2-1990. Ngay sau khi tham gia công ước, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 (được sửa đổi năm 2004 và sau đó được thay thế bằng Luật Trẻ em năm 2016). Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh, từ đó đến nay, công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng khích lệ. Tuy nhiên, Luật Trẻ em năm 2016 vẫn còn quy định gây tranh luận là độ tuổi pháp lý của trẻ em.
Cụ thể, Điều 1, Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Đây là mốc để xác định một người còn chưa đủ trưởng thành/chưa phải là người đã thành niên. Trong khi Công ước CRC và các điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà nước ta đã ký kết như Công ước số 138 về tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đều quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Bà Ngô Thị Minh cho biết, bất cập trên là một trong những lý do để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam thực hiện nghiên cứu về việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam thế nào cho hợp lý.
Quá trình khảo sát được thực hiện từ tháng 11-2018 đến tháng 4-2019, chủ yếu ở thành phố Hà Nội, ngoài ra còn ở 4 địa phương khác là các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An và Trà Vinh. Kết quả cho thấy, các chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em chủ yếu dành cho trẻ dưới 16 tuổi, lứa tuổi 16 đến dưới 18 tuổi gần như bị bỏ ngỏ. Đây chính là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng một số trẻ, nhất là nhóm ở độ tuổi 16-17 thiếu sự quan tâm của xã hội. Kết quả khảo sát còn cho thấy, trẻ ở độ tuổi này sống trong những gia đình nghèo thường phải nghỉ học, kết hôn hoặc mang thai sớm, hay bị cuốn vào các tệ nạn xã hội. Vì vậy, cần có chính sách đầu tư về giáo dục, y tế, dinh dưỡng và bảo vệ cho nhóm độ tuổi quan trọng này. Các nhà nghiên cứu kiến nghị, Quốc hội và Chính phủ nên sớm tiến hành xem xét, điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam quy định trong Luật Trẻ em năm 2016 lên mức tương thích với chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Đón nhận thông tin này, em Nguyễn Phi Nam (17 tuổi, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) vui mừng nói: “Học môn giáo dục công dân, em được biết, luật hiện hành quy định những trẻ dưới 16 tuổi mới là trẻ em. Cũng vì quy định độ tuổi này mà đương nhiên tất cả những trẻ 16-18 tuổi như em không được hưởng nhiều ưu tiên chăm sóc bảo vệ. Vì vậy, em mong muốn việc sửa đổi này được thực hiện càng sớm càng tốt".
Trung tá Phạm Hải Hùng (Phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an) cũng cho rằng: Về góc độ thực thi pháp luật, chỉ có thể quan tâm, hỗ trợ và bảo vệ hiệu quả khi các em ở độ tuổi 16-17 được bao phủ trong các chính sách và khung pháp luật của Nhà nước mà đang áp dụng cho nhóm trẻ dưới 16 tuổi. Việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý trẻ em dưới 18 tuổi là phù hợp, giúp tạo sự nhất quán về khái niệm trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cũng cho rằng, việc nâng độ tuổi trẻ em, tạo sự nhất quán liên tục trong thực hiện chính sách là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được thì Nhà nước cần phải chuẩn bị kỹ nguồn lực tài chính, tránh quy định một cách hình thức. Theo nhóm nghiên cứu, dự kiến sau khi điều chỉnh độ tuổi, chi tiêu ngân sách dành cho trẻ em tăng khoảng 800 tỷ đồng/năm, chủ yếu cho lĩnh vực trợ cấp xã hội. Mức chi phí tăng thêm tương ứng với 0,014% GDP và 0,06% tổng thu ngân sách nhà nước.