Không để biến tướng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:33, 29/09/2019
Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong năm học 2019-2020, từ trung tuần tháng 8-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn các nhà trường công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng quy định hiện hành. Tương tự, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong vấn đề này.
Thực hiện các chỉ đạo trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có Văn bản số 3213/SGDĐT-KHTC gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các nhà trường quy định rõ 7 khoản không được thu, trong đó có khoản thu bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện của học sinh; vệ sinh lớp học...
Như vậy có thể thấy, việc chống tình trạng lạm thu tại các trường học được ngành Giáo dục Hà Nội rất chú trọng với những chỉ đạo cụ thể. Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn có một số trường để xảy ra hiện tượng lạm thu. Nguyên nhân dẫn đến việc này, trước hết là các trường không thực hiện nghiêm túc yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan quản lý, thu những khoản không cần thiết...
Trên thực tế, trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, do chưa hiểu đúng và thực hiện sai những quy định về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi để xảy ra việc lợi dụng danh nghĩa của hội cha mẹ học sinh nhằm áp đặt mức thu “cào bằng”...
Để ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học, trước tiên cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành có liên quan. Đối với cơ quan quản lý giáo dục, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ các khoản thu đầu năm ở các trường học, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, nhất là với người đứng đầu. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tiến hành công khai, minh bạch các khoản thu, chi, nhất là các khoản thu từ nguồn xã hội hóa để phụ huynh học sinh nắm rõ.
Trong khi điều kiện kinh tế của gia đình học sinh không đồng đều, để chủ trương xã hội hóa thực sự phát huy hiệu quả, các nhà trường cần tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Nhưng điều cần thiết hơn là những khoản tiền này phải thực sự bắt nguồn từ tinh thần đóng góp tự nguyện và quan trọng là phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Một trong những yếu tố để đẩy lùi vấn nạn lạm thu là ban đại diện cha mẹ học sinh từ mỗi đơn vị lớp học phải phát huy được vai trò của mình. Các khoản đóng góp (ngoài khoản học phí được quy định chung) phải được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự thảo luận, bàn bạc kỹ trong ban đại diện và các bậc phụ huynh. Qua đó, nếu thấy mức đóng góp còn quá cao, bất hợp lý, trái với quy định chung, cần mạnh dạn có ý kiến phản biện để thay đổi cho phù hợp, tránh thái độ im lặng, thỏa hiệp.
Thực tiễn đã chứng minh, chỉ khi có sự đồng thuận, các phụ huynh kiên quyết “nói không” với những khoản thu sai quy định, hiện tượng lạm thu, lạm chi ở các nhà trường mới không bị biến tướng và vấn đề "nóng" này mới được giải quyết tận gốc.