Việt Nam kêu gọi tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương vì hòa bình và phát triển bền vững
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:05, 29/09/2019
Cùng ngày, Trưởng đoàn Việt Nam cũng có các cuộc gặp với Tổng Thư ký và Chủ tịch ĐHĐ LHQ.
Phát biểu trước lãnh đạo và đại diện 193 quốc gia thành viên LHQ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chủ nghĩa đa phương và những thành tựu to lớn mà các thể chế đa phương, nhất là LHQ, đã đạt được suốt 3/4 thế kỷ qua.
Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định đối ngoại đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại cũng như trong tổng thể quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam cũng đã ngày càng chứng tỏ vai trò là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong các tiến trình đa phương, với những đóng góp trên nhiều lĩnh vực hoạt động của LHQ, từ gìn giữ hòa bình tới phát triển bền vững và mới đây Việt Nam đã được các nước tin tưởng bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng chủ nghĩa đa phương đang đứng trước thách thức gay gắt do tác động của chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân túy, suy giảm cam kết chính trị và thiếu hụt nguồn lực. Vì vậy, tăng cường sức sống cho chủ nghĩa đa phương là một yêu cầu cấp bách đối với cộng đồng quốc tế. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nêu nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực, được các nước quan tâm.
Khẳng định “luật pháp quốc tế là nền tảng của quan hệ bình đẳng, công bằng giữa các quốc gia”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng cộng đồng quốc tế cần lên tiếng trước những hành động đơn phương, áp đặt, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Nhắc lại quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, trong đó có những hoạt động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh các quốc gia liên quan cần kiềm chế, không có hành động đơn phương gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Với vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ ưu tiên thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, nhất là trong phòng ngừa xung đột và thúc đẩy hòa bình bền vững. Việt Nam cũng nhấn mạnh các nỗ lực đa phương cần đặt con người ở vị trí trung tâm; trong đó hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững; và cũng chỉ có thể được bảo đảm nếu người dân được bảo vệ an toàn, bảo đảm các điều kiện sống cơ bản. Trước những thách thức mới, các thể chế đa phương cần được cải tổ theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và dân chủ, các nước cần tăng cường cam kết chính trị cũng như nguồn lực cho các thể chế đa phương.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị không chính thức các Ngoại trưởng ASEAN (IAMM) và các cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), Liên minh Thái Bình Dương (PA) và Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ.
Tại Hội nghị IAMM, các nước đã trao đổi về các bước chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 tại Bangkok, Thái Lan đầu tháng 11-2019. Các Bộ trưởng cũng cập nhật về tình hình quốc tế, khu vực và các vấn đề cùng quan tâm. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo với các nước về quá trình chuẩn bị tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Đồng thời, Trưởng đoàn Việt Nam cũng nêu những quan ngại của Việt Nam về tình hình Biển Đông kể từ sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 52 (8-2019 tại Bangkok), từ đó khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam về vấn đề này.
Trong gặp gỡ ASEAN – GCC, các nước bày tỏ vui mừng về những tiến triển trong hợp tác giữa hai bên và xem xét một số đề xuất tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các nước vùng Vịnh. Với PA, các nước khẳng định, với tư cách là các tổ chức đa phương quan trọng hàng đầu trong khu vực Thái Bình Dương, ASEAN và PA có tiềm năng lớn để phát triển quan hệ. Các nước nhất trí thông qua kế hoạch hợp tác ASEAN – PA giai đoạn 2020 - 2025.
Gặp gỡ các Ngoại trưởng ASEAN, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh bước phát triển của ASEAN trong xây dựng cộng đồng, khẳng định các cơ quan của LHQ luôn sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ ASEAN duy trì vai trò trung tâm vì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đề cập vấn đề Biển Đông, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng. Ông Antonio Guterres cũng nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong tiếp cận giải quyết các vấn đề khu vực và phấn đấu thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Cùng ngày, tại cuộc gặp Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Tijjani Muhammad-Bande, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác với Liên hợp quốc và sẽ đóng góp tích cực cho vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống đa phương, ủng hộ Chủ tịch Đại Hội đồng hoàn thành nhiệm vụ.
Với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Phó Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam đối với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu; chia sẻ những định hướng lớn của Việt Nam trong 2 năm tham gia HĐBA, cũng như Năm Chủ tịch ASEAN 2020, qua đó nhằm tăng cường quan hệ giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực. Các đối tác chúc mừng Việt Nam trúng cử vào HĐBA với số phiếu rất cao, ủng hộ định hướng và cách tiếp cận của Việt Nam. Tổng Thư ký Guterres mong muốn Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor đánh giá cao quan hệ song phương Việt Nam-Nam Phi thời gian qua phát triển vững chắc, coi nhiệm kỳ HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN sắp tới của Việt Nam là cơ hội tạo thêm xung lực cho hợp tác giữa hai nước. Liên quan đến tình hình Biển Đông, các đối tác nhấn mạnh cần tôn trọng luật pháp quốc tế, đối thoại nhằm xử lý các tranh chấp, khác biệt.
Khóa họp 74 Đại Hội đồng LHQ khai mạc ngày 17-9 tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ; trong đó, phiên thảo luận chung cấp cao được tổ chức từ 24 đến 29-9, với sự tham dự của hơn 150 nguyên thủ, thủ tướng hoặc bộ trưởng.