Bản đồ số dùng chung: Nhiều tiện ích
Xe++ - Ngày đăng : 07:51, 30/09/2019
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều sở - ngành, đơn vị đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đơn cử, Sở Tài nguyên và Môi trường có cổng thông tin dữ liệu chuyên về tài nguyên, đất đai, môi trường; Sở Giao thông - Vận tải có dữ liệu về đường sá, cầu cống; Sở Quy hoạch - Kiến trúc có dữ liệu về công trình, nhà cửa, quy hoạch; Sở Xây dựng có dữ liệu về địa chính, xây dựng… Tất cả dữ liệu này chủ yếu sử dụng trên dịch vụ bản đồ nền Google Maps (cổng thông tin quy hoạch...), hoặc dịch vụ bản đồ nền (cổng 1022, cổng thông tin giao thông...) mà chưa có sự thống nhất chung trong sử dụng dịch vụ và thiếu cơ chế tích hợp, chia sẻ dữ liệu, chỉ đang phục vụ công tác quản lý cho từng cơ quan.
Để chủ động liên thông dữ liệu, Sở TT-TT thành phố triển khai thí điểm bản đồ số dùng chung, hướng tới hình thành kho dữ liệu dùng chung, tích hợp các tập dữ liệu trên cơ sở bắt đầu từ ba nhóm dữ liệu gốc về người dân, doanh nghiệp và bản đồ số. Đến nay, thành phố đã triển khai thực hiện nội dung dân cư và hộ tịch. Dự kiến, tháng 6-2020 sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về người dân.
Theo ông Lý Minh Tuân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông (Sở TT-TT), dịch vụ bản đồ số mang lại nhiều tiện ích, thuộc nền tảng dịch vụ liên thông kết nối thống nhất (HCM LGSP) cho các phần mềm ứng dụng để phục vụ tham chiếu và lưu trữ thông tin địa chỉ với một mã vị trí địa lý thống nhất chung (Geocode) một cách chính xác, trực quan trên bản đồ số. Từ đó, hình thành các lớp dữ liệu có thể liên kết, chia sẻ trên nền hệ thống thông tin địa lý thống nhất, như thông tin cơ sở y tế, dịch vụ, điểm du lịch, doanh nghiệp...
Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, sau khi hoàn thành dự án chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000, Sở sẽ cùng với Sở TT-TT phối hợp tham mưu cho UBND thành phố phương án xây dựng bản đồ số dùng chung.
Về lĩnh vực đất đai, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, việc xây dựng hoàn chỉnh bản đồ số dùng chung nhằm hiện đại hóa hệ thống công tác quản lý và cập nhật, chỉnh lý biến động nguồn dữ liệu đất đai thống nhất từ cấp huyện đến cấp xã bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhanh gọn, chính xác.
Để góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh, thành phố cũng đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin địa lý (GIS) làm nền tảng cho các ứng dụng liên quan. Cụ thể, Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (HCMGIS) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ đã phát triển và ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã xây dựng và nâng cấp hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên nền tảng GIS và triển khai tại 24 quận - huyện cùng 322 phường - xã, đạt được nhiều kết quả tích cực.