Thấm nhuần phong cách trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân
Chính trị - Ngày đăng : 14:54, 01/10/2019
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; đại diện các sở, ban, ngành, đảng ủy trực thuộc Thành ủy.
Đọc diễn văn kỷ niệm, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, truyền thống công tác dân vận của Đảng được gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số ra ngày 15-10-1949, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là “cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận trong mọi giai đoạn cách mạng.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tập hợp, tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân thành một lực lượng to lớn, đông đảo, đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với tiến trình lịch sử của đất nước, công tác dân vận của Đảng đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, làm nên những chiến thắng vẻ vang, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Là đảng bộ lớn, có số lượng đảng viên đông nhất so với cả nước, những năm qua, Đảng bộ thành phố luôn chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp tổ chức thực hiện; rút ra nhiều kinh nghiệm hay, sáng tạo, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình mới…
Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, để tiếp tục thực hiện các quan điểm, tư tưởng dân vận của Bác, các cấp ủy và hệ thống dân vận thành phố sẽ thực hiện 4 giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức vận động, tập hợp quần chúng; phấn đấu theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã xuất hiện và được nhân rộng, qua đó góp phần tích cực vào những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội ở thành phố; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Tại hội nghị, ý kiến tham luận của các quận, huyện, thị xã đã làm sâu sắc thêm những kết quả trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” 10 năm qua.
Tiếp tục xây dựng nhiều mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré đánh giá, 10 năm qua, Thành ủy Hà Nội đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước... Đồng chí Điểu K’Ré đề nghị, Thành ủy Hà Nội tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, xếp loại mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, bảo đảm sát thực tiễn, hướng phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào những việc mới, việc khó… Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội cần chú trọng xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo; giải quyết tốt những kiến nghị, đề xuất của nhân dân...
Tiếp thu ý kiến của đồng chí Điểu K’Ré, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành hệ thống văn bản để triển khai đồng bộ các nội dung công tác dân vận. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.
“Phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng được triển khai sâu rộng ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực; nhiều mô hình, điển hình đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới. Các địa phương, đơn vị thường xuyên, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân, đồng thời tập trung giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc.
Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường và đổi mới công tác dân vận tại các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, thực hiện có hiệu quả “Năm dân vận chính quyền 2019”...
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, hệ thống dân vận toàn thành phố tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, vai trò của phong trào thi đua “Dân vận khéo”; xây dựng nhiều mô hình điển hình trên các lĩnh vực, tập trung vào những nhiệm vụ trọng điểm của thành phố, những vấn đề dân sinh, bức xúc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả của các mô hình “Dân vận khéo”, kịp thời tham mưu, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu..., góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị.