Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Khó triển khai đồng loạt
Đời sống - Ngày đăng : 06:35, 02/10/2019
Chủ yếu vẫn là... tiền mặt
Từ tháng 9-2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã áp dụng thí điểm giải pháp thanh toán viện phí bằng thẻ bảo lãnh viện phí tại Khoa Điều trị theo yêu cầu 1C. Sau 1 năm triển khai, đã có gần 7.000 người bệnh sử dụng thẻ bảo lãnh viện phí thay cho tiền mặt, chiếm hơn 40% số người bệnh đến khám. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, hình thức thanh toán này không chỉ giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi, mà còn giúp bệnh viện dễ dàng kiểm soát nguồn thu, giảm nhân lực kiểm đếm tiền mặt. Với bệnh nhân ở xa, thanh toán viện phí qua thẻ còn giúp họ quản lý tiền tốt hơn, không còn nỗi lo đánh rơi, hay bị trộm cắp...
Tiện lợi là vậy, song theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức vẫn chủ yếu chi trả viện phí bằng tiền mặt. Ngồi chờ thanh toán viện phí, chị Lương Thị Chung (ở tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, nhà cách bệnh viện khoảng 40km, việc phải mang một khoản tiền mặt tương đối lớn để thanh toán viện phí cũng rất bất tiện, nhưng chị đã quen với việc thanh toán tiền mặt mỗi khi vào bệnh viện. Còn anh Nguyễn Văn Nam (ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), thay vì sử dụng dịch vụ thanh toán viện phí bằng thẻ bảo lãnh viện phí, anh lại xếp hàng chờ ở cây ATM để rút tiền nhằm thanh toán viện phí…
Từ năm 2013, Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên ở khu vực miền Bắc áp dụng thanh toán viện phí qua thẻ, mà không dùng tiền mặt. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thẻ này có đầy đủ tính năng như thẻ ATM thông thường, có thể dùng để đăng ký khám bệnh, khám theo lịch hẹn qua website hoặc qua tổng đài điện thoại của bệnh viện. Việc thanh toán viện phí qua thẻ có nhiều cái lợi và sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai, song để thanh toán viện phí 100% qua thẻ, thì cần có lộ trình, chưa thể làm ngay được.
Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng triển khai dịch vụ thanh toán viện phí bằng thẻ khám, chữa bệnh. Ông Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho rằng, thẻ khám, chữa bệnh sẽ tích hợp thẻ ngân hàng với nhiều tính năng, tiện ích vượt trội như: Lưu trữ thông tin cá nhân, bệnh án của bệnh nhân; thanh toán viện phí; thanh toán tiền thuốc… Tuy nhiên, để cán bộ y tế, người bệnh thích ứng dần với những tiện ích trên, bệnh viện vẫn áp dụng song song hai hình thức thanh toán: Bằng tiền mặt và bằng thẻ.
Bộ Y tế đặt mục tiêu cho các bệnh viện trên địa bàn đô thị áp dụng thanh toán điện tử trước ngày 31-12-2019. Thế nhưng, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô như: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện E… vẫn chưa áp dụng phương thức này. Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), mốc thời gian trên được đưa ra để các bệnh viện phấn đấu, nhưng khó có thể đạt được. Hiện tại, đã có hơn 30 bệnh viện trên cả nước triển khai phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, nhưng người dân đến khám, chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt vì nhiều lý do khác nhau.
Xây dựng quy trình thanh toán thuận tiện
Việt Nam hiện có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động Mobile Banking (ngân hàng trên điện thoại di động) và 31 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất đa dạng như: Thẻ sử dụng máy POS, ATM hoặc cài thẻ vào điện thoại để thanh toán; dùng điện thoại sử dụng ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử hoặc quét mã QR (Quick Response trên phiếu viện phí) để thanh toán.
Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, khi áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế sẽ tác động đến sự thay đổi quy trình nghiệp vụ khám, chữa bệnh thông thường. Để hạn chế gây xáo trộn, ảnh hưởng không tích cực, các cơ sở y tế phải xây dựng quy trình nghiệp vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa, phòng, bộ phận liên quan. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với các cơ sở y tế để bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt 6 chữ “S”, đó là: Sẵn sàng, sâu sắc và san sẻ. Về việc phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có cơ chế chi trả phí, các ngân hàng sẽ thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua chính sách hỗ trợ ban đầu với các cơ sở khám, chữa bệnh như miễn hoặc giảm phí dịch vụ thanh toán với các thanh toán viện phí...