Xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ: Mở "cánh cửa" tới nhiều thị trường lớn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:21, 02/10/2019
Thị trường tiềm năng
Năm 2018, 18 tấn nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều này cho thấy, các mặt hàng trái cây của Hà Nội có khả năng chinh phục người tiêu dùng thế giới và "đủ sức" hiện diện tại những thị trường "kỹ tính", đòi hỏi cao về chất lượng. Theo Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nhãn muộn Hà Nội có mặt tại thị trường Hoa Kỳ ghi dấu ấn thành công của nông nghiệp Thủ đô trong lĩnh vực xuất khẩu. Có được thành công này, trước hết là sự nỗ lực của người sản xuất, sự quan tâm của thành phố Hà Nội trong suốt 5 năm qua và sự đồng hành của doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp xuất khẩu lô nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội sang Hoa Kỳ, Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam Phùng Thị Thu Hương cho biết: Hoa Kỳ là thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng, các khu vực trồng trọt, các đơn vị đóng gói phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đưa ra và được nước này cấp mã. Nhà máy chiếu xạ cũng phải được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ. “Nếu xuất khẩu thành công sang thị trường Hoa Kỳ thì cũng có thể coi là đã nắm trong tay chiếc “chìa khóa” để mở tiếp cánh cửa tới các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Từ lô nhãn chín muộn của Hà Nội xuất khẩu sang Hoa Kỳ, năm 2019, công ty tiếp tục xuất khẩu thành công một lô nhãn chín muộn sang thị trường Australia” - Bà Phùng Thị Thu Hương cho biết thêm.
Tương tự, vụ xoài năm 2019, Tập đoàn Vina T&T đã xuất khẩu hơn 71 tấn xoài sang thị trường Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T nhận định: Mỗi thị trường đều có những yêu cầu riêng. Tuy nhiên, nếu đã đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã vào thị trường Hoa Kỳ thì cũng đủ điều kiện để vào các thị trường lớn khác...
Đánh giá về thị trường giàu tiềm năng này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: 8 tháng năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ có sự tăng trưởng đáng kể, đạt 4,78 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự tăng trưởng này thể hiện rõ qua từng mặt hàng. Ví dụ, ở thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ hai của Việt Nam chiếm gần 10% thị phần...
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ NN&PNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Hoa Kỳ là nước nhập khẩu nhiều nông sản nhất thế giới, hằng năm nhập khẩu trên dưới 10 tỷ USD rau, củ, quả; khoảng 3,5 tỷ USD cà phê; trên 9 tỷ USD cao su… Thị trường này nhập khẩu đa dạng về chủng loại, trong đó nhiều loại nông sản Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Nâng cao chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu
Là thị trường lớn và giàu tiềm năng, song Hoa Kỳ cũng là thị trường "kỹ tính", đòi hỏi rất nghiêm ngặt về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là hạn chế thông tin về hệ thống pháp luật các cấp của Hoa Kỳ. Chưa kể xu hướng tăng cường bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Để khắc phục những hạn chế trong xuất khẩu nông sản, đồng thời khai thác thế mạnh từ thị trường Hoa Kỳ, nhiều giải pháp đã, đang và sẽ được triển khai.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thời gian vừa qua, bên cạnh việc phối hợp cùng Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin cũng như các quy định đối với từng mặt hàng nông sản, Bộ NN&PTNT luôn sát cánh cùng doanh nghiệp; giám sát quy trình sản xuất; nắm rõ từng khó khăn, hạn chế của các mặt hàng nông sản để có giải pháp hỗ trợ kịp thời...
Nâng cao chất lượng sản phẩm vẫn là giải pháp hàng đầu để duy trì tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ cũng như các thị trường khác. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, nhập khẩu máy móc hiện đại từ Hoa Kỳ về để nâng cao khả năng chế biến. Sản xuất gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.
Về phía doanh nghiệp, thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nâng cao trình độ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là chú trọng đầu tư cho mẫu mã sản phẩm. Theo Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Phùng Thị Thu Hương, để duy trì bền vững xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác, công ty đang tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví dụ, với trái cây sẽ sử dụng quy trình giám sát điện tử Egap và quy trình trồng cây hữu cơ của Hoa Kỳ...
Có thể nói, với những nỗ lực của các nhà sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, nông sản Việt Nam đang phát huy lợi thế có được từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vững vàng tiến vào thị trường Hoa Kỳ và mở "cánh cửa" cơ hội đến với nhiều thị trường lớn, giàu tiềm năng trên thế giới.