VNPT - Thương hiệu được khách hàng tin tưởng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:56, 02/10/2019
Kết quả trên được Công ty Tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam kết hợp với Brand Finance - một công ty định giá doanh nghiệp hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh công bố cuối tháng 9-2019. Đây là sự kiện thường niên của Brand Finance tại Việt Nam nhằm tôn vinh các doanh nghiệp nằm trong tốp 50 thương hiệu giá trị nhất.
Trong bảng danh sách tốp 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2019, VNPT vươn lên vị trí thứ 2 với trị giá thương hiệu là 1,683 tỷ USD - tăng 14% so với năm 2018 (năm 2018 đứng vị trí thứ 3 với định giá thương hiệu là 1,339 tỷ USD). Đáng chú ý, trong năm nay, VNPT đã vượt qua Vinamilk vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng. VinaPhone được định giá thương hiệu là 553 triệu USD, tăng 17% so với năm 2018. Như vậy, VNPT là doanh nghiệp duy nhất có 2 thương hiệu nằm trong tốp 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam năm 2019.
Theo Brand Finance, việc tính toán giá trị các thương hiệu trong bảng xếp hạng được sử dụng “phương pháp chiết khấu phí bản quyền”. Phương pháp này ước tính doanh số tương lai được tạo ra từ thương hiệu và tính toán tỷ lệ phí bản quyền trả cho việc sử dụng thương hiệu. Có nghĩa là công ty muốn sử dụng thương hiệu phải trả phí cho việc sử dụng thương hiệu - với giả định rằng thương hiệu không thuộc sở hữu của công ty đó. Đây cũng là bảng xếp hạng duy nhất có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá.
Là tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu của đất nước, VNPT đã không ngừng phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ đón đầu xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, làm chủ công nghệ lõi nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng Việt Nam. Theo Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long, VNPT đã đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ số, bên cạnh việc duy trì phát triển các dịch vụ viễn thông cốt lõi. VNPT tham gia mạnh vào thị trường dịch vụ số, cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số cho các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp. Trong đó, VNPT đã phát triển mạnh giải pháp đô thị thông minh, hiện được 28 tỉnh, thành phố tiếp cận và triển khai; đồng thời phát triển dịch vụ số cá nhân…
Một trong những quyết tâm táo bạo của VNPT đó là trong năm 2018, Tập đoàn đã hoàn thành việc tái cấu trúc khối công nghệ thông tin, thành lập Công ty Công nghệ thông tin (VNPT IT) và tập trung nguồn lực để đẩy mạnh lĩnh vực này.
Cùng với đó, VNPT đã triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là chiến lược VNPT 4.0). Mục tiêu chính của chiến lược này là VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam (vào năm 2025) và Trung tâm Giao dịch số của khu vực châu Á (vào năm 2030).
Bên cạnh việc thực hiện chuyển đổi số, Tập đoàn VNPT tiếp tục giữ vững vị thế các dịch vụ truyền thống như dịch vụ di động, băng rộng cố định… Vì vậy, dù thị trường viễn thông đang cạnh tranh gay gắt, nhưng doanh thu, lợi nhuận toàn tập đoàn vẫn đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ; thị phần dịch vụ di động VinaPhone không ngừng tăng lên qua từng năm (hiện đạt trên 23% thị phần).
Trong bối cảnh ngành Viễn thông cạnh tranh quyết liệt, việc duy trì vị thế và đạt tăng trưởng là một thách thức không nhỏ. Kết quả VNPT đã đạt được không chỉ thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp, mà còn thể hiện sự tin tưởng của khách hàng vào dịch vụ mà VNPT cung cấp.