Ứng phó với stress trong cuộc sống hiện đại
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:16, 03/10/2019
Nữ dễ bị stress nhiều hơn nam
Các thống kê dịch tễ học về sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, các rối loạn liên quan đến stress đang ngày càng gia tăng, tỷ lệ chung trong dân số có thể từ 5% - 10%, hay 15% - 20% theo thống kê của nhiều nước. Riêng Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Tuy nhiên, số người bệnh được khám và chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2 - 3 người được điều trị.
Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các bệnh liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân làm con người có thể bị stress. Stress kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy khó lường, nhất là trong guồng quay áp lực công việc, kinh tế của xã hội hiện đại. Ở điều kiện bình thường, stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý, đặt chủ thể vào quá trình dàn xếp thích ứng, tạo ra cân bằng mới cho cơ thể sau khi chịu những tác động của môi trường. Nói cách khác, phản ứng stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể thích nghi. Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố gây stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra được một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều sẽ bị rối loạn, dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, hành vi sẽ xuất hiện và tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài.
GS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) cho biết, stress là một tác nhân đến từ môi trường xung quanh do nhiều yếu tố gây ra. Theo nhiều nghiên cứu, thống kê thì nữ dễ bị stress nhiều hơn nam, có thể do đặc điểm tâm, sinh lý phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới. Về lứa tuổi thì trẻ em dễ bị tác động, trẻ em vị thành niên, trẻ em sau sinh cũng dễ bị ảnh hưởng và tác động tâm lý do stress. Thậm chí, người cao tuổi không được giải tỏa tâm lý cũng dễ bị tác động của stress.
Các dạng stress phải đối mặt
Theo Tiến sĩ Dương Minh Tâm, hiện nay, có hai thể stress, đó là stress bệnh lý cấp tính, xuất hiện từ một tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể như người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm... Ngoài ra có stress bệnh nguyên, bệnh sinh (phát sinh từ sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân)... Stress xuất hiện có thể do nguyên nhân duy nhất hoặc do nhiều sang chấn kết hợp với nhau gây ra, có thể là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng cũng có thể chỉ là yếu tố thúc đẩy một bệnh sẵn có phát sinh.
Cũng theo Tiến sĩ Dương Minh Tâm, stress có gây bệnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh. Ngược lại, với người có nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ và chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.
Sống cân bằng để giảm stress
GS.TS Cao Tiến Đức cho rằng, stress có thể làm cuộc sống thêm thi vị nhưng nếu quá nặng dẫn đến bệnh lý, biểu hiện ban đầu được gọi là căng thẳng, stress là mệt mỏi, đau đầu, thay đổi tính tình..., chúng ta phải xem xét có phải do stress gây ra không, nếu tìm cách tự giải tỏa mà không hết thì phải tìm đến các nhà tâm lý và bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Stress rất dễ mắc phải nhưng cũng không quá khó để khắc phục nó.
GS.TS Cao Tiến Đức khuyến cáo, mỗi người hãy tự tạo cho chính mình một môi trường sống thoải mái nhất có thể để ngăn ngừa căng thẳng. Chẳng hạn, luyện tập thể thao đều đặn, ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ giấc, không nên ăn quá muộn hoặc ngủ quá muộn vì điều này sẽ làm tăng căng thẳng, thậm chí gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Chấp nhận thực tế khó khăn và cố gắng cải thiện, làm những điều tốt nhất.
Tiến sĩ Dương Minh Tâm nhấn mạnh, cùng với sự trợ giúp của gia đình, người thân, chính người bị stress phải tìm cách giải tỏa để giảm stress. Trong trường hợp bệnh không có tiến triển thì cần đến bệnh viện chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.
Để điều trị stress, bên cạnh phác đồ của thầy thuốc, người bệnh cần điều chỉnh lối sống, nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng hài hòa giữa lao động và nghỉ ngơi, thư giãn, tránh sử dụng những chất kích thích để tăng cường sức đề kháng với stress. Mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp cơ thể để rèn luyện. Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực.