Đôi nét về văn chương đô thị
Văn hóa - Ngày đăng : 11:25, 03/10/2019
Có đô thị thì ắt có con người sống ở đô thị, tạm gọi là những thị dân. Có những vấn đề của đô thị, có những sự việc đô thị, và đó chính là tiền đề của văn chương về đô thị. Điều này đã diễn ra ngay trong giai đoạn trước 1945 của văn học Việt Nam, mà đại diện xuất sắc nhất là Số đỏ của nhà văn tài năng nhưng yểu mệnh Vũ Trọng Phụng. Nhân vật Xuân tóc đỏ và những ông những bà, những anh những chị, những cô những cậu những mợ... lần đầu tiên hiện lên trên sân khấu văn chương một cách cực kỳ sinh động. Đó là những chân dung thị dân được găm vào lịch sử và ghi lại lịch sử. Phải khẳng định rằng Số đỏ là một đỉnh cao của văn chương về đô thị Hà Nội một thời.
Sự phát triển mạnh mẽ của đời sống xã hội đã và đang đặt những tiền đề thuận lợi để có sự phát triển mạnh mẽ của văn chương về đô thị. Nhưng điều đó, tiếc thay, lại diễn ra khá yếu ớt. Các nhà văn sống ở nông thôn thường chỉ viết về nông thôn, nếu có viết về đô thị thì họ cũng chỉ viết chuyện cái làng đã hóa phố của mình, với tâm trạng vừa buồn bã vừa bức xúc trước sự lộn xộn đang lấn át vẻ yên bình của làng quê yêu dấu. Còn các nhà văn sống ở đô thị - chiếm số lượng áp đảo - thường hứng thú viết về nông thôn và người nông dân, như một quán tính. Nói vậy không có nghĩa rằng không có những nhà văn sống ở đô thị hướng cái nhìn vào đô thị. Tuy vậy ở đây cần nhận diện một vài điều khá tế nhị. Thứ nhất, phần lớn những cái nhìn ấy xuất phát từ hệ quy chiếu nông thôn.
Hãy nhớ tới truyện ngắn nổi tiếng Khách ở quê ra của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Qua cái nhìn của nhân vật lão Khúng, một nông dân xứ Nghệ “thứ thiệt”, thì dân Hà Nội thật kỳ lạ: Toàn những người bủng beo trắng nhợt, ở thì cứ nhất loạt chui vào những căn hộ tập thể chật chội ngột ngạt như cái bao diêm! Thứ hai, đô thị thường không được quan sát, nhận thức và mô tả trong tính toàn vẹn của nó, mà bị chia cắt thành những không gian khá nhỏ hẹp: Trường học, cơ quan, công ty, khu phố, thậm chí chỉ là một gia đình. Trong những không gian ấy, các nhân vật văn học hiện lên với rất đậm tính chất chức năng: Thủ trưởng, nhân viên, công chức, ông thầy giáo, bà tổ trưởng dân phố, chị tiểu thương..., nhưng lại rất nhạt những tính chất đặc trưng của thị dân. Nói cách khác nữa, cái tâm thế đô thị của phần lớn các nhà văn sống ở đô thị và viết về đô thị Việt Nam nhiều năm qua là không hề mạnh. Không phải cứ hễ sống ở đô thị là lập tức trở thành thị dân.
Để trở thành thị dân, đó là cả một quá trình tập nhiễm lâu dài, về mọi mặt. Đơn cử như nhân vật Giang Minh Sài (tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu) là một trường hợp điển hình về một người sống ở đô thị mà vẫn không thôi là nông dân, vẫn không sao trở thành thị dân. Môi trường sống quen thuộc với Sài chính là nông thôn, là sống cuộc sống của một nông dân. Vậy nên khi kết cuốn tiểu thuyết Lê Lựu để cho nhân vật của mình về quê, âu cũng là điều hợp logic. Một ví dụ khác: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết truyện khi ông đã là công dân Hà Nội, nhưng những tác phẩm thành công nhất của ông thì hoặc là về đề tài miền núi, hoặc là về nông thôn, hoặc là truyện “giả lịch sử”. Không có truyện về đô thị. Trong khi đó, gần như cùng thời với Lê Lựu và Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta từng chứng kiến một Ma Văn Kháng vốn rất chắc tay với văn xuôi về miền núi, “đùng một cái” tung ra tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn đậm đặc chất Hà Nội.
Hay một Bảo Ninh, dù không định viết về đô thị nhưng trong những trang viết khét mùi khói súng của ông, ta vẫn đọc được một Khắc dấu mạn thuyền hay một Hà Nội lúc không giờ, văn chương lọc lõi, viết về Hà Nội đầy chất thơ, đẹp đến mức bất chấp mọi cơn tao loạn do chiến tranh và của chiến tranh. Hai nhà văn này vốn được sinh ra ở đất Hà Nội, trải tuổi thơ của mình ở Hà Nội. Họ thân thuộc Hà Nội, thân thuộc với đời sống, thân thuộc với cách cảm cách nghĩ của người Hà Nội. Họ là những thị dân đúng nghĩa. Và có thể khẳng định, đó chính là một trong những yếu tố khiến họ thành công khi viết về đô - thị - Hà - Nội.
Nếu phải lấy ví dụ cho một vài trường hợp viết về đô thị gây được ấn tượng trong văn xuôi đương đại - theo cái nghĩa đô thị đúng là đô thị, với những vấn đề thực sự của đô thị, với tâm thế sống đô thị và với những chân dung người thị dân sắc nét, người viết bài xin đề cập đến mấy tác giả: Hồ Anh Thái (với tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày, các tiểu thuyết Mười lẻ một đêm, SBC là săn bắt chuột, Những đứa con rải rác trên đường...), Nguyễn Việt Hà (với tập truyện ngắn Của rơi, các tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người, Thị dân tiểu thuyết và tạp văn Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu) và Đỗ Phấn (với các tiểu thuyết Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Gần như là sống, Con mắt rỗng, Vết gió, Rong rêu miền ký ức và mới đây nhất là Mùi trần).
Các nhà văn này viết về đô thị với cái nhìn từ bên trong. Hình ảnh đô thị và chân dung người thị dân đương đại trong những tác phẩm của họ không phải bao giờ cũng đẹp, thường xấu là đằng khác, nhưng không thể phủ nhận rằng bao giờ những cái viết ấy cũng thể hiện một sự thân thuộc đô thị, bao giờ cũng đau đáu một tâm thế thị dân. Một điểm chung nữa: Nếu họ bộc lộ một sự phản ứng tiêu cực trước đối tượng của mình, thì đó là sự phản ứng của người “thị dân cũ” - con người của nền nếp gia phong, của chế độ giáo dục nghiêm cẩn, của sự ngăn nắp trong lối sống và sự tinh tế nhạy cảm trong tâm hồn - trước đô thị hiện tại, với những gì đại diện cho cái tạp nham, bát nháo, xô bồ, hãnh tiến và phản văn hóa mà nó đang bày ra.
Vẫn biết văn chương hay hay dở vốn không nệ đề tài. Nhưng đề tài hấp dẫn bao giờ cũng là điều kiện quá tốt để có thể có tác phẩm hay, đáng đọc. Đô thị, thị dân, đó thực sự là một đề tài luôn hấp dẫn, tuy nhiên kết quả mà nền văn chương đương đại của chúng ta có được từ đó dường như chưa tương xứng, cả về lượng và chất. Đây là một vấn đề đáng quan tâm, cần phải được cả giới văn học tìm hiểu, thảo luận cụ thể để tiến tới những nhận thức thấu đáo hơn.