Bệnh nhân ghép phổi đầu tiên được xuất viện
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:20, 04/10/2019
Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) có lịch sử gần 60 năm hình thành và phát triển. Trong 10 năm gần đây, khoa đã gặt hái được nhiều thành công, nổi bật là 26 ca ghép tim, 2 ca ghép phổi, bệnh lý lóc tách động mạch chủ, điều trị nội - ngoại khoa các bệnh mạch máu, phẫu thuật, các bệnh lý phức tạp của phổi và trung thất… Từ ngày 4-10-2019, khoa chính thức trở thành Trung tâm Tim mạch lồng ngực.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, phẫu thuật ghép phổi là kỹ thuật vô cùng khó. Với việc thực hiện thành công 2 ca ghép đầu tiên đã khẳng định tay nghề của các bác sĩ trong nước không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Trong 2 ca ghép phổi đầu tiên, bệnh nhân Ngô Văn Khương (38 tuổi, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sức khoẻ tiến triển tốt hơn. Sau hơn 1,5 tháng được chăm sóc tích cực sau ca ghép, sức khoẻ bệnh nhân Khương đã hoàn toàn ổn định và có thể xuất viện.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi) - vợ của bệnh nhân Khương cho biết, khi có thông tin người chết não hiến phổi, gia đình huy động 1,5 tỷ đồng để thực hiện ca ghép phổi. Ca lấy và ghép hai phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ. Sau mổ vài ngày, chồng chị tỉnh nhanh nhưng phải sau ba tuần, gia đình mới được gặp. Hai lá phổi đã thích nghi trong cơ thể giúp anh trở lại cuộc sống bình thường với những ăn uống, sinh hoạt và hơi thở không còn khổ vì bệnh như trước. Gia đình chúng tôi rất biết ơn các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.
Trước đó, như Báo Hànộimới đưa tin, bệnh nhân Ngô Văn Khương được ghép phổi sau 10 năm mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. Ngoài ra, ca ghép phổi cho một bệnh nhân 17 tuổi mắc bệnh mô bào phổi (thể đặc biệt của ung thư) giai đoạn cuối và suy đa tạng rất nặng. Hiện, bệnh nhân này vẫn tiếp tục được chăm sóc tích cực tại bệnh viện.