Chăn nuôi an toàn: "Ngăn" dịch cúm gia cầm
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:37, 04/10/2019
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao
Nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi, bà Phùng Thị Thơ, xã Vật Lại (huyện Ba Vì) cho biết: “Với quy mô 15.000 con gà và hơn 600 con lợn, mỗi khi nhập đàn mới về nuôi, gia đình tôi đều thông báo đến cán bộ thú y xã để tổ chức tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, thời tiết các tháng cuối năm thường tiềm ẩn những bất thường nên công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, xung quanh trang trại có rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc vệ sinh chuồng trại trước khi nuôi không được quan tâm, vì vậy, nguy cơ lây nhiễm từ đây sang các trang trại là rất cao”…
Cũng về vấn đề này, ông Phạm Văn Thắng ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) phản ánh: “Gia đình tôi nhập 150 con gà về nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới. Mặc dù đã tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, nhưng tôi vẫn lo lắng vì sợ mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường không khí...”.
Thực tế trên cho thấy, trước tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, người chăn nuôi đã đầu tư nuôi gia cầm nhưng chưa thể yên tâm. Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch bệnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm luôn đứng trong nhóm đầu của cả nước, với khoảng 34-36 triệu con, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 65%).
Hằng năm, Hà Nội xuất đi các tỉnh, thành phố hơn 40 triệu con giống gia cầm. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cuối năm của người dân Thủ đô dự báo sẽ tăng 15-20% nên việc nhập các loại thực phẩm (trong đó có gia cầm) từ các tỉnh là rất lớn. Thêm nữa, trên địa bàn thành phố có chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (tại xã Lê Lợi, huyện Thường Tín), với số lượng vận chuyển, buôn bán giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận bình quân khoảng 20.000-22.000 con gia cầm/ngày. Nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh từ các địa phương khác vào Hà Nội rất cao, đáng chú ý là sự xâm nhập của các chủng vi rút mới...
Trong khi đó, việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm đang phải đối mặt với nhiều vấn đề... Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh nêu thực trạng: Hiện nay, Luật Thú y đã bãi bỏ công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh. Điều này khiến các cơ quan quản lý gặp không ít khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, tình trạng giết mổ gia cầm sống ở các chợ dân sinh, trong các khu dân cư chưa được xử lý dứt điểm nên nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm vào thời điểm cuối năm rất lớn.
Xây dựng ít nhất 3-5 vùng an toàn dịch bệnh
Để khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngày 19-9-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND về phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025. Theo đó, các sở, ngành hướng dẫn địa phương xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 3-5 vùng an toàn dịch bệnh, 20 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc nhằm loại trừ các loại mầm bệnh, trong đó có vi rút cúm gia cầm...
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho hay: Ba Vì đã yêu cầu trạm chăn nuôi và thú y hướng dẫn người dân làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm trước khi nuôi. Huyện cũng khuyến khích các trang trại chăn nuôi lớn áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Vấn đề quan trọng nhất trong phòng, chống dịch cúm gia cầm là nâng cao nhận thức của các hộ dân trong việc chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại tập trung an toàn sinh học. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở NN&PTNT đã tham mưu cho thành phố ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo quy trình khép kín, có sự kiểm soát chặt chẽ từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến; đồng thời tổ chức hệ thống phân phối nhằm cung cấp sản phẩm gia cầm an toàn cho thị trường. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT sẽ hướng dẫn, tập huấn về bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng chống dịch bệnh; xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh...
Và để ngăn chặn các nguy cơ lây lan cúm gia cầm, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh: “Các địa phương cần tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên các tuyến đường; rà soát, xử lý kiên quyết các điểm kinh doanh gia súc, gia cầm sống để bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Với những giải pháp căn cơ cũng như sự vào cuộc của các địa phương, hy vọng Hà Nội sẽ có thêm nhiều cơ sở chăn nuôi an toàn và từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm.