Cả cuộc đời dành cho y học
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:15, 05/10/2019
"Người nghiện việc"...
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm được biết đến với nhiều cương vị khác nhau, từ “bàn tay vàng” phẫu thuật nhi khoa đến giám đốc bệnh viện sắc sảo và một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ thế giới. Bất kỳ ai khi tiếp xúc đều hiểu được vì sao ông có biệt danh “workaholic” - “người nghiện việc”. Nghiện đến mức ngày nào không làm việc, không đọc sách, không nghiên cứu khoa học là ông không chịu nổi.
Năm 1979, tốt nghiệp bác sĩ nội trú Đại học Y Hà Nội, ông đã quyết định đến với chuyên ngành Nhi và gắn bó với Bệnh viện Nhi trung ương (gần 40 năm), trong đó có 12 năm giữ cương vị giám đốc bệnh viện. “Mỗi ngày làm việc, tôi được tiếp xúc với các trẻ nhỏ bị bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y. Mỗi lần như thế, lại là những đêm tôi không ngủ và không ngừng suy nghĩ để tìm được phương pháp điều trị tối ưu hơn, nhằm cứu sống các bé", GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.
Từ những trăn trở đó cùng những ngày tháng không ngừng tìm tòi, sáng tạo, năm 1997, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm tiên phong triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ em. Từ đó đến nay, ông đã nghiên cứu, đóng góp 9 kỹ thuật nội soi trẻ em hoàn toàn mới và cải tiến nhiều kỹ thuật phức tạp khác. Không dừng lại ở đó, năm 2014, người thầy thuốc này còn nghiên cứu lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam, đó là ghép tế bào gốc. Kết quả, ông và các cộng sự đã hoàn thành nhiều nghiên cứu về ghép tế bào gốc cho trẻ bại não và trẻ tự kỷ, rối loạn đại tiện ở trẻ bị thoát vị màng não tủy, bệnh đa u tủy, liệt tủy do chấn thương cột sống, teo đường mật bẩm sinh, thoái hóa khớp gối, xơ gan... GS.TS Nguyễn Thanh Liêm là người đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công ghép tế bào gốc điều trị xơ phổi ở trẻ sơ sinh.
Mới đây, công bố nghiên cứu về giải trình tự bộ gen người Việt của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cùng các cộng sự đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng khoa học, mang tới tiềm năng to lớn trong việc dự phòng, chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý nguy hiểm, như: Ung thư, các bệnh di truyền, thoái hóa thần kinh… Ông chia sẻ: “Với người làm khoa học, nhiệm vụ và tiêu chí đánh giá sự thành công là phải tìm ra cái mới. Thế giới đi nhanh lắm. Cái gì hôm nay là không tưởng thì ngày mai đã thành hiện thực. Vì vậy, đêm nào tôi cũng nghĩ ngày mai mình có thể làm gì tốt hơn hôm nay”.
Nhìn vào danh sách công trình nghiên cứu khoa học khổng lồ, với 6 cuốn sách được xuất bản, hơn 200 công trình nghiên cứu khoa học y học, trong đó có gần 100 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và châu Âu, nhiều người không khỏi kinh ngạc. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm còn được mời viết chương “U nang ống mật chủ” cho sách giáo khoa nhi dành cho các bác sĩ của Anh và Mỹ. Ông cũng là bác sĩ Việt Nam hiếm hoi được mời giảng dạy và phẫu thuật trình diễn tại nhiều nước có nền y học phát triển. Hiện nay, nhiều phẫu thuật viên trên thế giới đều gọi tên một số kỹ thuật mổ là “Liem’technique” (kỹ thuật của Giáo sư Liêm).
Khát khao "mở đường"
Dù được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý nhưng có lẽ với GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, phần thưởng cao quý nhất chính là việc sức khỏe tiến triển ngày một tốt hơn của các bệnh nhi sau khi được điều trị. Ông kể: "Có những ngày, tôi nhận đến hơn 100 cuộc điện thoại, tin nhắn. Mừng nhất là được nghe những lời đầy xúc động của những bà mẹ có con được ghép tế bào gốc điều trị tự kỷ, như: “Bác Liêm ơi, cháu đỡ đến 7 phần rồi, tự làm được các việc cá nhân, đang ngồi ăn cơm đây. Cháu ngoan nhiều rồi, không tăng động, phá phách nữa, còn biết đọc chữ, làm toán nữa”. Hay bức thư khác kể, 6-7 năm nay, con họ không được ngủ một đêm nào ngon giấc. Sau khi ghép tế bào gốc, cháu đã ngủ được, không còn quấy khóc… “Những điều tưởng rất bình thường ấy lại là mơ ước của biết bao gia đình không may có con bị tự kỷ, bại não. Chính những tiến triển của bệnh nhi đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh và nghị lực làm việc”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.
Hai lĩnh vực mà GS.TS Nguyễn Thanh Liêm tâm đắc, đó chính là phẫu thuật nội soi cho trẻ em và ghép tế bào gốc. Thế nhưng, những ngày bắt đầu thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc điều trị cho trẻ tự kỷ quả thật không dễ dàng, thậm chí, nhận rất nhiều sự phản đối. Dù vậy, ông vẫn quyết định bước tiếp. Điều khiến ông ám ảnh nhất, đó là khi một người cha có con bị bại não nắm lấy tay ông vừa van xin, vừa cầu cứu: “Bác sĩ ơi, chẳng nhẽ không có cách nào cứu được con tôi sao? Chẳng lẽ bác sĩ cũng đành chịu”. Trước những câu hỏi day dứt đó, ông muốn được toàn tâm, toàn ý nghiên cứu khoa học, để giải những “bài toán” mà y học chưa giải được, để chữa những căn bệnh mà các bác sĩ còn bất lực.
"Với phương pháp ghép tế bào gốc, tôi không phải đi ngược chiều một cách mù quáng mà là có niềm tin và cơ sở khoa học. Và kết quả, chúng tôi không chỉ tự tin với ghép tế bào gốc điều trị tự kỷ, bại não mà còn áp dụng phương pháp này điều trị nhiều bệnh nan y ở trẻ" - GS.TS Nguyễn Thanh Liêm khẳng định.
Mỗi ngày được bận rộn với những công trình khoa học đang nghiên cứu hay chuẩn bị cho những ca mổ khó với GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chính là lẽ sống. Bởi, người thầy thuốc ấy luôn khao khát được “mở đường” và tâm niệm nếu không đi sẽ không bao giờ thành đường, dù con đường ấy luôn gập ghềnh và nhiều khó khăn.
Với những cống hiến xuất sắc trong ngành Y, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2008, nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005, danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Năm 2019, ông còn được bình chọn top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á (Asian Scientist 2019) do Tạp chí Khoa học châu Á (Singapore) công bố. Trước đó, năm 2018, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm là bác sĩ đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng Nikkei châu Á (Nikkei Asia Prize) lần thứ 23 trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Hiện, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm là một trong 10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.