Hướng tới bức tranh kinh tế nhiều màu sáng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:40, 05/10/2019
- Kết quả phát triển kinh tế của cả nước trong 9 tháng qua là rất tích cực. Trong bức tranh chung đó, đâu là điểm nhấn đáng chú ý, thưa ông?
- Kết quả phát triển kinh tế trong 9 tháng qua rất đáng mừng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước - là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây; trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02%, đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%.
Kết quả trên đã vượt kỳ vọng, vì theo kịch bản tăng trưởng của Chính phủ, mức tăng trưởng 6,98% cao hơn 0,09 điểm phần trăm so với dự kiến.
Riêng về kiềm chế lạm phát cũng đạt kết quả rất tích cực, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2019 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Chúng tôi nhận định, khả năng đạt được mức lạm phát dưới 4% như Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi. Qua diễn biến giá cả thị trường 9 tháng qua, cùng với dự báo giá tiêu dùng một số mặt hàng trong 3 tháng tới, Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng trong khoảng 2,65-2,8%.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những kết quả khả quan nói trên có được nhờ sự kịp thời, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Nói cách khác, nhìn chung các bộ, ngành, đơn vị đã bám sát, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 1-1-2019) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 của Chính phủ.
- Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng thực tế quá trình phát triển kinh tế vẫn có hạn chế nhất định. Theo ông, trong thời gian còn lại của năm 2019, cần lưu ý những vấn đề gì?
- Theo tôi, còn một số hạn chế, bất lợi cần nhận diện để khắc phục trong thời gian tới, với tinh thần quyết liệt. Đó là, kết quả, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ vẫn là một điểm nghẽn, gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Thời tiết diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông - thủy sản đang có xu hướng giảm do giá xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, cần lưu ý rằng độ mở lớn cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ khiến Việt Nam chịu tác động đan xen bởi các diễn biến kinh tế thế giới theo hướng phức tạp, khó lường. Sự suy giảm của hoạt động thương mại toàn cầu cũng sẽ gây tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
- Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế của năm 2019, từ nay đến hết năm cần có giải pháp gì, thưa ông?
- Trong quý IV-2019 sẽ có nhiều thuận lợi khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ có mức tăng cao. Môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá...
Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, theo tôi các bộ, ngành và địa phương cần tập trung vào những nội dung sau:
Một là, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa.
Hai là, điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với các vùng, miền nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực; tăng cường sản xuất cây ngắn ngày; nâng cao chất lượng các loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu...
Ba là, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Bốn là, mở rộng giao thương quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định...
Năm là, bảo đảm tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường trong nước và thế giới, biến động của USD, giá cả các mặt hàng để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm thích hợp.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong 9 tháng qua, chúng tôi dự báo GDP năm 2019 sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng 6,6-6,8%), có thể đạt mức cao nhất là 6,8%.
- Trân trọng cảm ơn ông!