Dày thêm những trang sách về Thăng Long - Hà Nội
Sách - Ngày đăng : 07:57, 06/10/2019
150.000 trang viết mới về Hà Nội
Tiếp nối Dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn I, do Nhà Xuất bản Hà Nội thực hiện để chào mừng Thủ đô nghìn năm tuổi vào năm 2010, giai đoạn II của dự án được triển khai từ năm 2013 đến nay, với nhiều hoạt động nhằm hệ thống hóa mọi mặt của Thăng Long - Hà Nội qua tiến trình hơn 1.000 năm lịch sử.
Theo Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Hà Nội Lê Tiến Dũng, ở giai đoạn II, Nhà Xuất bản Hà Nội đã tổ chức điều tra, khảo sát nguồn tư liệu văn hiến về Thăng Long - Hà Nội từ thực địa và tại các cơ quan lưu trữ trung ương, địa phương. Đặc biệt, những vùng đất mới của Hà Nội mở rộng được tập trung nghiên cứu.
Trên cơ sở đó, nhà xuất bản đã tổ chức dịch, hiệu đính và xây dựng hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long; tổ chức điều tra, sưu tầm, bổ sung tư liệu tại Anh, Pháp, Hà Lan, khai thác thêm hơn 9.000 trang tư liệu, gần gấp 2 lần kế hoạch. Đây là thành công vượt mức mong đợi, tạo cơ sở ra đời nhiều cuốn sách có giá trị cho “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Cụ thể, Nhà Xuất bản Hà Nội đã tổ chức biên soạn và xuất bản 40 tựa sách (74 tập sách) với dung lượng hơn 150.000 trang, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: Lịch sử (10 tựa sách); địa lý (4 tựa sách); kinh tế, văn hóa, xã hội (9 tựa sách); văn học, nghệ thuật (7 tựa sách); tư liệu, tổng hợp (10 tựa sách). Bên cạnh đó, tủ sách còn có thêm nhiều sách phổ thông phục vụ bạn đọc các lứa tuổi, thành phần.
Giai đoạn II dự án tiếp tục kết tinh trí tuệ của đông đảo đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu cả nước. Là tác giả của 2 cuốn sách ra mắt trong giai đoạn này, trong đó có cuốn 848 trang “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ chia sẻ, kho tàng tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội trong và ngoài nước còn nhiều và cần được tiếp tục khai thác, bổ sung để cung cấp cho bạn đọc những nội dung, kiến thức, câu chuyện phong phú, toàn diện, đa chiều về mảnh đất này.
Lan tỏa tới độc giả
Những tác phẩm mới trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” tại Hội sách Hà Nội năm 2019 đang diễn ra ở Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, thu hút nhiều độc giả. Giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa xúc động lật giở từng cuốn sách, còn bạn đọc quan tâm đến Hà Nội thì thích thú khi bắt gặp một Thủ đô tưởng như đã quen thuộc nhưng được tiếp cận dưới nhiều góc cạnh mới mẻ.
Trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội năm 2019, đông đảo độc giả đã dành thời gian dự cuộc tọa đàm về 2 tựa sách mới nằm trong tủ sách này, đó là “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ chợ - Đàng ngoài (1672-1697)” dày 708 trang và “Tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ chợ - Đàng ngoài (1637-1700)” dày 624 trang, đều do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn biên soạn. Đây là 2 cuốn sách được dịch và biên soạn từ các tư liệu qua 2 đợt tổ chức điều tra, sưu tầm, khảo sát, với hơn 12.000 trang tư liệu quý tại nhiều nước trên thế giới.
2 công trình đã góp phần tái hiện bức tranh tương đối toàn diện về xã hội Đàng ngoài thế kỷ XVII, soi sáng nhiều góc khuất, nhiều khoảng trống trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII, nguồn sử liệu trong nước chú trọng nhiều đến đời sống chính trị, cung đình hơn là kinh tế - xã hội, vì vậy, các nguồn tư liệu lưu trữ phương Tây rất quý giá, bổ khuyết cho khối tư liệu trong nước.
Bên cạnh 2 công trình trên, “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II còn có nhiều cuốn sách giá trị, được nghiên cứu công phu với những chiều cạnh khác nhau. Có thể kể đến là “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội” 17 cuốn và “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” 10 tập (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Quân biên soạn); “Lịch sử Hà Nội cận đại (1883-1945)” (Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Nghĩa biên soạn); “Kẻ sĩ Thăng Long” (Bằng Việt)…
Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Hà Nội Lê Tiến Dũng cho biết, những tác phẩm mới của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” sẽ tiếp tục được đưa đến hệ thống thư viện của Hà Nội và toàn quốc, các trường học; đồng thời, thường xuyên trưng bày, giới thiệu với bạn đọc.
Bên cạnh đó, nhà xuất bản đã số hóa toàn bộ sách và tư liệu thuộc giai đoạn I của dự án, đang tiếp tục số hóa sách và tư liệu của giai đoạn II, với số lượng đã thực hiện là hơn 200.000 trang. Ngoài việc lưu trữ, số sách và tư liệu này sẽ lan tỏa tới độc giả trên nền tảng số.
Sự tiếp nối tạo nên những công trình sách giá trị về Thăng Long - Hà Nội như thế, sẽ giúp bạn đọc hiểu về Hà Nội đầy đủ, khái quát, sâu sắc hơn; từ đó kế thừa, phát huy truyền thống để phát triển Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh, thanh lịch.