Không để “Con sâu làm rầu nồi canh”
Đời sống - Ngày đăng : 08:13, 06/10/2019
- Hà Nội hiện có gần 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội, đông nhất cả nước. Họ là những người ít có khả năng tự thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Để các đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống, thành phố đã hỗ trợ bằng cách nào, thưa ông?
- Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, trợ giúp đối tượng yếu thế phù hợp với đặc thù của từng địa phương, nhu cầu của từng đối tượng, hoàn cảnh.
Đến nay, 100% đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; người khuyết tật trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm; học sinh, sinh viên khuyết tật được hỗ trợ chi phí học tập… Những trường hợp đặc biệt được đưa vào chăm sóc thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Hiện nay, 14 trung tâm bảo trợ xã hội công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang nuôi dưỡng thường xuyên gần 2.600 đối tượng. Sống tại trung tâm, họ nhận được sự chăm sóc tương đối đầy đủ cả về vật chất, tinh thần. Không ít trường hợp trẻ khuyết tật, mồ côi lớn lên từ các trung tâm bảo trợ xã hội đã trở thành những công dân tốt, góp phần truyền cảm hứng sống tích cực cho những người đồng cảnh.
Ngoài sự quan tâm của Nhà nước, các đối tượng bảo trợ xã hội còn nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ cộng đồng hoặc thông qua các tổ chức xã hội - từ thiện… Có nguồn sinh kế để vươn lên, cuộc sống của đa số đối tượng bảo trợ xã hội dần cải thiện.
Nhằm thực hiện mục tiêu không để người nghèo, đối tượng yếu thế phải ở lại phía sau trong hành trình phát triển, ngày 8-7-2019, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống (Nghị quyết 04).
Theo đó, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc các bệnh hiểm nghèo là thành viên thuộc hộ gia đình không có người còn khả năng lao động sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp bằng mức chuẩn nghèo của thành phố. Dự kiến, kinh phí để thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững khoảng hơn 300 tỷ đồng/ năm, tăng khoảng 110 tỷ đồng so với các chính sách đã triển khai.
Như vậy, các chính sách, giải pháp hỗ trợ đối tượng yếu thế của thành phố Hà Nội khá đa dạng, toàn diện, mở rộng hơn so với chính sách chung.
- Ông có thể cho biết, Nghị quyết 04 đang được các ngành, địa phương triển khai ra sao?
- Sau khi Nghị quyết 04 được ban hành, liên Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai theo hướng linh hoạt, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng.
Trên tinh thần đó, các địa phương còn đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo đang tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết, đồng thời rà soát, đánh giá, lập danh sách từng trường hợp đề nghị được hỗ trợ. Nhiều địa phương đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho những năm tiếp theo.
Điển hình là huyện Đông Anh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ giảm nghèo bền vững; đồng thời mở rộng đối tượng thụ hưởng. Những đối tượng như trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người đơn thân nuôi con... trên địa bàn huyện ngoài việc được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, với số tiền trợ cấp hằng tháng thấp hơn mức chuẩn nghèo của thành phố Hà Nội sẽ được huyện trợ cấp thêm cho bằng mức chuẩn nghèo.
Cùng với các chính sách đã triển khai, việc thực hiện Nghị quyết 04 được coi là giải pháp quan trọng để Hà Nội hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2019, bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội không phải sống trong cảnh nghèo vào cuối năm nay.
- Không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong việc quan tâm, chăm sóc các đối tượng yếu thế. Tiếc rằng, vẫn còn hiện tượng có nơi sử dụng chưa đúng các nguồn lực trợ giúp, gây ra những hoài nghi trong xã hội. Để các nguồn lực trợ giúp đến với đối tượng, theo ông, các cơ quan chức năng cần làm gì?
- Tôi xin khẳng định, các nguồn lực trợ giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đến với đối tượng thụ hưởng. Còn vụ việc một số cán bộ tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội đưa hàng từ thiện ra ngoài như báo chí đưa tin những ngày qua chỉ là hiện tượng cá biệt. Tuy nhiên, đây là hành động gây hoài nghi trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, nỗ lực của những người làm công tác xã hội, từ thiện.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Sở tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và đề nghị các quận, huyện, thị xã cùng phối hợp chỉ đạo cũng thực hiện nghiêm những quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Mỗi người cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà tài trợ, các nguồn tài trợ đến được với người cần hỗ trợ. Đối với các nguồn tài trợ thông qua ngân sách hoặc các cơ quan nhà nước, thì việc quản lý, sử dụng các nguồn lực này phải công khai, minh bạch.
- Trân trọng cảm ơn ông!