Phối hợp để ngăn chặn hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 13:26, 07/10/2019
Diễn biến ngày càng phức tạp
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2019 đến nay, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành phố (Ban Chỉ đạo 389) đã tiến hành kiểm tra 29.963 vụ (tăng hơn 142% so với cùng kỳ năm trước), trong đó phát hiện 3.435 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 54,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy 33 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 79,7 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường thành phố cũng đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố hình sự 11 vụ án.
Gần đây nhất là vụ đối tượng Huỳnh Thị Đài Trang (tên gọi khác Linda Trang, Linda Huynh, sinh năm 1989, ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đã "đạo diễn" việc lập tờ khai hải quan, khai báo nhập khẩu hạt hạnh nhân đã qua sơ chế, số lượng 617 kiện, trị giá 18.510USD, thuế suất 10%, xuất xứ Mỹ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện toàn bộ lô hàng trên là hạt óc chó với số lượng 617 kiện, trọng lượng 7 tấn, trị giá 773 triệu đồng, thuế suất 30%, xuất xứ Mỹ. Cơ quan công an đang điều tra vụ án "Buôn lậu" này và xác định việc điều chỉnh, thay đổi chủng loại, số lượng hàng hóa trên các chứng từ nhập khẩu nhằm giảm số tiền thuế nhập khẩu phải nộp.
Theo ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi, đã gây khó khăn cho việc kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Đáng chú ý, hoạt động buôn lậu diễn ra ngày càng phức tạp tại khu vực gồm 3 tỉnh Tây Ninh, Long An và thành phố Hồ Chí Minh. Các đối tượng buôn lậu thường chọn địa bàn biên giới giáp ranh để hoạt động bởi có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch chằng chịt, nhất là trong mùa nước nổi thì càng phức tạp hơn. Nếu hàng hóa buôn lậu vận chuyển trót lọt qua biên giới, sẽ đưa về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ nhanh chóng.
Ông Phạm Đức Chinh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An cho biết, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 799 trường hợp buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, nhập lậu; thu giữ hơn 1,3 triệu gói thuốc lá ngoại; khoảng 31,5 tấn đường cát và nhiều hàng hóa điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, quần áo... Cơ quan chức năng đã truy cứu trách nhiệm hình sự 40 vụ/46 đối tượng buôn lậu. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu vẫn có chiều hướng gia tăng.
Tại Tây Ninh, ông Châu Thanh Long, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, thuốc lá, hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, quần áo, giày dép, nước giải khát... sau khi vượt qua biên giới Campuchia, được tập kết ở khu vực giáp ranh với Long An. Từ đây, các đối tượng dùng xe máy, ô tô du lịch, xe khách, thậm chí cả xe tải để chuyển tiếp hàng nhập lậu vào sâu trong nội địa và chuyển tiếp đến thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác để tiêu thụ.
Tăng cường nhiều giải pháp
Trước tình hình trên, hiện nay, các tỉnh ở khu vực biên giới Tây Nam và thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cường phối hợp triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu từ nay đến cuối năm. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Châu Thanh Long, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị đã có kế hoạch hợp tác, chia sẻ thông tin về đối tượng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu với các cơ quan chức năng và địa phương liên quan để tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các điểm nóng tập kết, kho bãi, trung tâm kinh doanh hàng lậu.
Cũng khẳng định việc tăng cường phối hợp, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong những tháng cuối năm 2019, Cục Hải quan thành phố tập trung đấu tranh với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại qua thủ tục hải quan điện tử, giám sát chặt chẽ các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An tập trung chỉ đạo các lực lượng của tỉnh phối hợp với những địa phương liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu theo chuyên ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Ông Phạm Đức Chinh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cho hay, Cục sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để cán bộ quản lý địa bàn có tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp, kéo dài.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trần Tuấn Anh đã lưu ý lực lượng quản lý thị trường các tỉnh biên giới Tây Nam và thành phố Hồ Chí Minh phải là đầu mối phối hợp các cơ quan công an, bộ đội biên phòng... tấn công trọng tâm vào các điểm trung chuyển, buôn lậu qua biên giới. Về phía các địa phương, chủ động tăng cường, phối hợp với các lực lượng của Trung ương để đấu tranh hiệu quả với các đường dây buôn lậu liên tỉnh, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.