Ngành chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập: Tái cơ cấu để phát triển bền vững
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:24, 07/10/2019
Cơ hội mở ra, thách thức ập tới
Hội nhập quốc tế, doanh nghiệp và người chăn nuôi Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại, từ sản xuất con giống đến trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến. Ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) cho biết: CPTPP và EVFTA có hiệu lực, ngành Nông nghiệp có cơ hội thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi... Và, các doanh nghiệp trong nước cũng có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi...
Tuy nhiên, cơ hội mở ra thì thách thức cũng ập tới. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cho biết: CPTPP và EVFTA có hiệu lực, người chăn nuôi trong nước đối mặt với sự cạnh tranh về giá thành của sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện tại, giá thịt lợn ở Mỹ quy ra tiền Việt chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, còn Canada là 25.000 đồng/kg, Mexico là 35.000 đồng/kg... trong khi ở Việt Nam, thịt lợn đang giữ mức giá hơn 50.000 đồng/kg...
Thời gian tới, các sản phẩm chăn nuôi từ Australia, Canada, Mexico, Malaysia... sẽ thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường trong nước khi thuế nhập khẩu giảm xuống 0% (theo lộ trình của hiệp định). Điều này thật sự là thách thức lớn với các hộ chăn nuôi cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhận định: Cả nước có tới 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm là vô cùng khó khăn. Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm: Việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn hạn chế vì chi phí đầu tư lớn. Đặc biệt, ở Việt Nam chưa có nhiều cơ sở chế biến dẫn tới sản phẩm khó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế...
Một thách thức khác là hiện tại, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung thịt lợn trong nước trong ngắn hạn. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay cả nước đã tiêu hủy khoảng gần 5 triệu con lợn (chiếm 7% tổng đàn). Riêng Hà Nội đã phải tiêu hủy 510.351 con lợn (chiếm 27,56% tổng đàn)... Trước thực tế này, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trong 8 tháng năm 2019, số lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 (cụ thể, thịt lợn khoảng 12.000 tấn, thịt gà khoảng hơn 100.000 tấn)... Trong khi đó, ngành Công Thương dự báo đến cuối năm 2019, Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt lợn, tương đương 20% nhu cầu tiêu dùng.
Việc nhập khẩu thịt nhằm đáp ứng nhu cầu, mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng càng tạo thêm áp lực cạnh tranh to lớn đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi trong nước. Và thực tế, nếu không có sự thay đổi mang tính đột phá thì với những hạn chế nội tại, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn trong khai thác những lợi thế từ các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại mà còn có thể thua ngay trên “sân nhà”.
Tái cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại
Để doanh nghiệp và người chăn nuôi tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So cho biết, các doanh nghiệp mong muốn địa phương tạo điều kiện về mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng trang trại tập trung, nhà máy chế biến thực phẩm; đầu tư công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, từ đó nâng sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, trên cơ sở quy hoạch chung của Bộ NN&PTNT, các địa phương nên chủ động tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện nay, do giá thịt lợn tăng cao, nhiều hộ dân có tâm lý muốn tái đàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, mầm bệnh vẫn còn trong môi trường thì không nên vội tái đàn... Để bù đắp nguồn thực phẩm trong các tháng cuối năm, người dân có thể chuyển sang chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản...
"Việc chuyển hướng sang chăn nuôi các loại động vật khác cũng phải theo quy hoạch của từng vùng, tránh tình trạng nơi nào cũng nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản khiến thị trường mất cân đối cung cầu. Cùng với đó là hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới", ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
Về lâu dài, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT và các địa phương đang triển khai quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang quy mô trang trại, công nghiệp; mặt khác, gắn phát triển chăn nuôi với công nghệ chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, các địa phương cần xác định vùng chăn nuôi trọng điểm để kêu gọi đầu tư và thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm so với chăn nuôi truyền thống… Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để thu hút đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tận dụng hiệu quả nguồn vốn, năng lực quản trị, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn chăn nuôi lớn trên thế giới... Qua đó, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam.