Bình ổn an ninh tại Iraq: Nhiệm vụ khó khăn
Thế giới - Ngày đăng : 06:51, 09/10/2019
Không dừng lại ở đó, người biểu tình với đa số là thanh niên còn xuống đường để yêu cầu Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi từ chức, chính quyền cải cách kinh tế, tạo việc làm, cải thiện dịch vụ công cơ bản và chấm dứt tình trạng tham nhũng kéo dài. Bạo lực đã xảy ra khi lực lượng an ninh dùng hơi cay và vũ khí để giải tán đám đông. Lệnh giới nghiêm đã được ban bố tại thủ đô Baghdad và 3 thành phố miền nam Nassiriya, Amara và Hilla.
Diễn biến có chiều hướng ngày càng phức tạp tại Iraq khiến dư luận quốc tế quan ngại sâu sắc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ sự lo lắng về tình trạng bạo lực leo thang khiến số người chết và bị thương gia tăng trong các cuộc biểu tình. Liên đoàn Arab cũng kêu gọi thúc đẩy đối thoại để tìm tiếng nói chung. Đây được xem là thách thức về an ninh lớn nhất mà Iraq đối mặt kể từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại tại nước này cách đây 2 năm.
Những gì đang diễn ra cũng làm nghiêm trọng hơn tình trạng bất ổn tại quốc gia vẫn còn đang vật lộn với "di sản" của những cuộc xung đột kể từ khi bị Mỹ tấn công vào năm 2003. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hiện tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Iraq lên tới 25%. Cuộc sống người dân thì vô cùng khó khăn khi ngay cả những dịch vụ cơ bản nhất như điện và nước cũng chưa được bảo đảm. Tình trạng thiếu điện liên tục xảy ra tại nước này cho dù nhiệt độ mùa hè có thể lên tới 50 độ C.
Trong khi đó, tổ chức Minh bạch quốc tế xếp Iraq ở vị trí 169/180 quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Cơ quan giám sát tham nhũng Iraq (ICW) gần đây công bố trong khoảng 15 năm qua, số tiền bị các quan chức, các phe phái tôn giáo và chính trị ở nước này bòn rút đã lên đến 320 tỷ USD. Cùng với nền kinh tế kiệt quệ là cuộc chiến quyết liệt để tranh giành quyền lực. Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 12-5-2018 không chỉ ghi nhận tình trạng gian lận phiếu bầu tràn lan mà còn không giúp xứ Nghìn lẻ một đêm có được chính phủ mới. Chỉ đến 5 tháng sau đó, cuộc khủng hoảng chính trị mới dần được tháo gỡ khi Thủ tướng A.Abdul-Mahdi được chỉ định vào chiếc ghế lãnh đạo.
Nhằm xoa dịu người dân, ông A.Abdul-Mahdi đã có bài phát biểu trên truyền hình cho biết, các cuộc biểu tình kêu gọi chấm dứt nạn tham nhũng là một hành động đúng đắn, nhưng khẳng định mục tiêu này chỉ đạt được nếu các hoạt động của chính phủ không bị đình trệ. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng gặp đại diện của người biểu tình để thảo luận về những yêu cầu mà họ đưa ra, đồng thời công bố nhiều biện pháp cải cách trong các lĩnh vực phân chia đất đai, nghĩa vụ quân sự và tăng thu nhập, phúc lợi cho các gia đình nghèo và người thất nghiệp.
Những quyết sách của người đứng đầu chính phủ Iraq là cần thiết để đáp ứng phần nào nguyện vọng chính đáng của người dân và tháo gỡ căng thẳng, bình ổn an ninh để phát triển đất nước vốn đã tan nát sau những cuộc chiến liên miên. Việc ứng phó với sự phản kháng của đông đảo dân chúng còn liên quan chặt chẽ đến sự ổn định trên chính trường nước này.
Hiện giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Muqtada al-Sadr đã lên tiếng kêu gọi liên minh chính trị Sairoon chiếm đa số ghế tại Quốc hội do ông lãnh đạo tạm ngừng các hoạt động của nhóm ở cơ quan lập pháp cao nhất cho đến khi chính phủ công bố chương trình cải cách được nhân dân chấp nhận. Tuy nhiên, với một nền tảng rất thấp như hiện nay, việc tạo ra những thay đổi nhanh chóng tại Iraq là nhiệm vụ khó khăn và một điều chắc chắn là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới vẫn còn cách xa mục tiêu ổn định và thịnh vượng.