Thêm yêu Hà Nội qua từng trang sách
Sách - Ngày đăng : 11:10, 10/10/2019
Thêm nhiều “đặc sản sách” về Hà Nội
Hà Nội, với những nét riêng có của mình, từ nhiều năm nay vẫn luôn là “đối tượng phản ánh” trong nhiều tác phẩm ở các thể loại, từ tiểu thuyết, kịch đến tùy bút, bút ký, tạp văn hay các khảo cứu. Đã có những lớp nhà văn viết thành công về đề tài Hà Nội mà mỗi người đều có những nét đặc sắc riêng. Nếu có nhà văn chọn viết về xã hội của giới thượng lưu Hà thành một thời thì có người viết lại “nghiêng” về một Hà Nội của giới lao động lầm than. Nếu có nhà văn chọn những góc nhỏ để viết nhưng lại mang đến một Hà Nội đặc sắc khó quên qua những món ăn, thức quà bình dị hay những câu chuyện thú vị của ba sáu phố phường, thì lại có những người “mở” ra hướng nghiên cứu về Hà Nội xưa và nay qua các di tích, phong tục tập quán, danh nhân văn hóa, văn nghệ dân gian hay nghề truyền thống. Rồi những Hà Nội của thời đánh Mỹ, thời bao cấp hay những năm sau đổi mới cũng được đưa vào những trang viết, qua nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, nhiều tác phẩm sau đó được chuyển thể thành phim, thu hút rất đông độc giả, khán giả như Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Chuyện tình ngõ lỗ thủng (Trung Trung Đỉnh), Phố (Chu Lai)...
Và như vậy, từng lớp nhà văn đã nối tiếp nhau tạo nên một mảng văn học Hà Nội đặc sắc.
Từ cuối thập niên 1990, các tùy bút, tản văn về Hà Nội bắt đầu phát triển với một số tên tuổi như Băng Sơn, Mai Thục qua các tập Thú ăn chơi người Hà Nội, Tinh hoa Hà Nội… Dường như các tản văn nhẹ nhàng, dung lượng vừa phải đã trở thành thời thượng giữa xã hội hiện đại, nơi con người ngày càng ít thời gian dành cho việc đọc, hàng loạt tên tuổi gắn với đề tài Hà Nội đã xuất hiện như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tiến, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý... Mỗi tác giả gắn với Hà Nội trong một góc nhìn rất riêng. Nếu Nguyễn Ngọc Tiến Đi dọc, Đi ngang, Đi xuyên Hà Nội… để khảo cứu về Hà Nội xưa thì Nguyễn Việt Hà viết về Hà Nội nay với Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu..., nếu Đỗ Phấn thường trở về với Hà Nội trong ký ức qua Bâng quơ một thời Hà Nội, Đi chơi Bờ Hồ, Ngẫm ngợi phố phường... thì Nguyễn Trương Quý lại viết về Hà Nội của thì hiện tại với Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Xe máy tiếu ngạo… Còn nhiều tác giả khác, dù viết rất nhiều đề tài nhưng cũng không quên hướng về “trái tim của cả nước” như Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Hưng, Uông Triều, Thái Hương Liên, Phong Điệp, Nguyễn Văn Học, Lữ Mai...
Vài năm trở lại đây, các tản văn hồi ức bắt đầu được viết ở dạng dài hơn, không phải thành từng đoạn, từng mẩu ngắn mà có sự xuyên suốt theo trình tự thời gian hoặc theo một mạch nghiên cứu. Quân khu Nam Đồng, Kim Liên một thuở, hay mới đây là Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu đều được viết dưới dạng này. Được viết trên nền của những sự kiện thật, nhân vật thật và cảm xúc thật nên những hồi ức một thuở này đang là món ăn đắt khách giữa thị trường tản văn tưởng như đã bão hòa. Cũng là dạng hồi ức về Hà Nội một thời nhưng dưới góc nhìn trẻ thơ, không thể không kể đến Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa (Lê Bầu), Khu tập thể có giàn hoa tím (Đức Phạm), Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ (Mây), Đấy là nó nghĩ thế (Trần Ngọc Anh Thư)...
Những cách tiếp cận mới
Hội sách Hà Nội chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019) tại Hoàng thành Thăng Long vừa kết thúc, song dư vị của những món “đặc sản sách” Hà Nội tại Hội sách dường như còn đọng lại mãi khi rất nhiều tác phẩm đã được giới thiệu. Có thể kể đến hai cuốn sách khảo cứu Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài (1672 - 1697) và Tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài (1637 - 1700) thuộc dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của Nhà xuất bản Hà Nội; việc tái bản bộ tiểu thuyết ăn khách của Chu Lai với Phố, Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng, Mưa đỏ; ra mắt tiểu thuyết Phố Nhà Thờ, cuốn sách được viết bằng tiếng Việt của một tác giả người nước ngoài yêu Hà Nội, tác giả Marko Nikolíc; giới thiệu cuốn sách ảnh Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers HaNoi).
Các cuốn sách về Hà Nội vẫn tiếp tục ra đời, cho thấy “Hà Nội đáng để chúng ta viết, còn nhiều điều để viết”, như nhà văn Nguyễn Tuân đã khẳng định trong buổi nói chuyện tại Thư viện Hà Nội năm 1972. Nhiều tác giả, nhóm tác giả đã tìm được những lối đi riêng để có thể thể hiện tình yêu của bản thân mình với Hà Nội. Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội là một ví dụ, khi đã kết hợp những bài viết đầy cảm xúc về ký ức Hà Nội cùng những bức tranh ký họa nhiều chất liệu về Hà Nội hôm nay để làm nên hai cuốn sách được người đọc hết sức đón nhận.
Từng có khá nhiều đầu sách về Hà Nội, nhưng phải đến năm 2018 khi Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca xuất bản, nhà văn Nguyễn Trương Quý mới được ghi dấu trên bục giải thưởng của Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Điều làm nên sự khác biệt của cuốn sách này so với những tác phẩm trước đây của anh và khác với nhiều cuốn sách của các tác giả khác ở chỗ, anh đã chọn được một góc tiếp cận độc đáo cho tác phẩm của mình. Đi từ một nhân vật mà anh dựng nên một bức tranh đô thị, thông qua cuộc đời và sự nghiệp của một nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mà anh tái hiện cả một thời vàng son của âm nhạc Hà Nội với những tên tuổi nổi danh, kèm theo đó là nhiều tư liệu lôi cuốn bạn đọc.
Cũng là một dạng hồi ức biên khảo, tác phẩm Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954 của Lê Văn Ba được giới văn nghệ sĩ đánh giá cao khi khôi phục bức tranh về giai đoạn văn học nghệ thuật rất sôi động một thời.
Hà Nội không của riêng ai, mà của chung tất cả những tấm lòng hướng về Hà Nội. Và vì thế, sẽ còn nhiều, rất nhiều những tác phẩm viết về Hà Nội như là một cách để thể hiện tình yêu, để ghi dấu kỷ niệm riêng của mỗi người với mảnh đất này. Mỗi cá tính văn chương sẽ góp phần mang đến một sắc màu cho bức tranh tác phẩm viết về Hà Nội thêm phong phú, đặc sắc.