Lũy thép Nam Hồng

Đời sống - Ngày đăng : 07:56, 10/10/2019

(HNM) - “Miền Nam thì có Củ Chi/Miền Bắc thì có Tằng My - Nam Hồng”, câu ca ấy đã trở nên quen thuộc với người dân như khẳng định vai trò, vị trí lịch sử của địa đạo Nam Hồng (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh) cùng tinh thần anh dũng kiên cường của người dân nơi đây. Nam Hồng là địa đạo đầu tiên của cả nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hôm nay, lũy thép Nam Hồng vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và tình yêu quê hương của người dân Nam Hồng tiếp tục tỏa sáng trong thời đại mới...

Đào hầm, đắp lũy bảo vệ quê hương

Mỗi khi chiều xuống, bên ván cờ cạnh ao làng, các cụ cao niên vẫn nhắc đến những câu chuyện chưa xa: Người Nam Hồng dù đói bụng vẫn hăng say đào hầm, ghép tre thành chiến lũy bảo vệ làng, đuổi địch...

Bước chân ở cái tuổi 96 không thể nhanh nhẹn như thời trẻ nhưng cụ Đoàn Văn Luân - cựu du kích xã Nam Hồng những ngày đạn lửa - vẫn minh mẫn, chậm rãi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về một thời để nhớ của người dân nơi đây. Đó là những năm 1946-1947, giặc Pháp càn quét khắp miền Bắc, trong đó, Nam Hồng là nơi địch càn đi, càn lại nhiều lần. Theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, Nam Hồng thực hiện triệt để đường lối: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến” với phương châm “Mỗi thôn xóm là một pháo đài, mỗi nhà là một tổ tác chiến, mỗi người dân là một chiến sĩ”, “Cả nhà là du kích, cả nhà tham gia đánh giặc”...

Trở thành “cái gai” trong mắt địch, Nam Hồng bị đánh phá ngày đêm, không còn một ngôi nhà nguyên vẹn. Để chống địch, đánh địch, bảo vệ làng, năm 1947, người dân Nam Hồng bắt đầu đào những đường hầm sâu dưới lòng đất, thông từ nhà này qua nhà khác, từ xóm trên xuống xóm dưới, nối thông các hầm bí mật với nhau thành hệ thống giao thông liên hoàn trong lòng đất... Đầu năm 1948, địa đạo Nam Hồng đã trở thành một “thiên la, địa võng” mà không một người nào có thể nắm được tất cả những cửa lên, xuống, đường đi, lối lại... 

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Dương cho biết: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, gần 11km địa đạo của Nam Hồng đã được hình thành. Người dân còn tạo được gần 10km giao thông hào, hơn 8km thành lũy, 2.680 hố chiến đấu, 465 hầm bí mật… Người Nam Hồng đã đánh 308 trận, diệt 354 tên địch, làm bị thương 153 tên, bắt sống 11 tên…

Là một trong những gia đình còn giữ lại được phần địa đạo qua nhà, ông Phạm Quang Dộc kể: "Trước kia, ông bà tôi thường kể những câu chuyện về người dân nơi đây ngày đêm nhịn ăn, đào hầm để bảo vệ làng. Lúc còn là một cậu bé, tôi đã được xuống những con đường trong địa đạo đó... Khi trưởng thành, tham gia lực lượng vũ trang, tôi hiểu hơn, mỗi mét đường hầm đều thấm máu, nước mắt, tình yêu quê hương, tinh thần chiến đấu quật cường của cha ông". 

Nối dài truyền thống đất anh hùng

Về Nam Hồng, tận mắt nhìn những cửa hầm địa đạo còn lại, mỗi người chúng ta có thể hiểu hơn về tinh thần cách mạng của người dân nơi đây. Với những giá trị lịch sử, quân sự, văn hóa hết sức lớn lao, năm 1996, Khu di tích lịch sử - văn hóa địa đạo Nam Hồng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia. Cùng với đó, ngày 29-1-1996, xã Nam Hồng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cửa hầm xuống địa đạo tại nhà ông Phạm Quang Dộc, thôn Vệ (xã Nam Hồng).

Viết tiếp trang sử đầy tự hào trong công cuộc đổi mới, người dân Nam Hồng tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Là một trong những xã triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn đầu (2011-2015), bằng nội lực mạnh mẽ của tinh thần đoàn kết, người dân nơi đây đã thu được nhiều thành công. Ông Nguyễn Văn Hợi ở thôn Đoài nhớ lại: Năm 2010-2011, khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền, triển khai ở Nam Hồng đã có những nét khác so với nhiều địa phương. Phát huy tinh thần cách mạng của quê hương, người thôn Đoài và các thôn đồng lòng vào cuộc với tâm thế sẵn sàng hiến đất, tham gia làm đường, cải tạo kênh mương...

Từ sự chủ động ấy, năm 2013, xã Nam Hồng đã có 3,5km đường liên xã, 2km đường liên thôn được thảm nhựa và 31,83km đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, chưa kể việc cứng hóa 31,5km kênh mương do xã quản lý… Đặc biệt, Nam Hồng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy các loại hình dịch vụ… Với nhiều thành tựu nổi bật đạt được, năm 2014, Nam Hồng được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 1.

Hiện tại, chính quyền và người dân Nam Hồng đang nỗ lực đưa “xã lên phường” theo lộ trình với những tiền đề thuận lợi, như: Thu nhập bình quân hiện đạt 51 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo chỉ còn 1,06%; y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ…

Nam Hồng hôm nay khang trang hơn, trù phú hơn, và mong mỏi của mỗi người dân là cùng với phát triển kinh tế, việc bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử phải được coi trọng, bởi đó chính là mạch ngầm bất tận của tình yêu quê hương, đất nước. “Đến nay, di tích lịch sử, hiện vật ở xã Nam Hồng đang bị xuống cấp... Người dân Nam Hồng rất mong các cơ quan chức năng sớm có kế hoạch trùng tu phục hồi, trước hết để bảo tồn một di tích lịch sử kháng chiến như cách truyền khí phách cha ông đến thế hệ trẻ; sau đó có thể khai thác thành điểm du lịch, phục vụ khách tham quan...”, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Dương bày tỏ mong muốn.

Đỗ Minh