Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu
Kinh tế - Ngày đăng : 08:18, 11/10/2019
Người dân xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) có truyền thống trồng bưởi từ lâu. Hiện nay, cả xã có 121ha trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Bưởi tôm vàng Đan Phượng".
Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ Nguyễn Tuấn Anh, chọn sản phẩm bưởi tôm vàng tham gia Chương trình OCOP, xã Thượng Mỗ và huyện Đan Phượng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ và nhân dân, đồng thời in ấn và cấp phát tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Đến hết năm 2019, sản phẩm "Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ" sẽ đáp ứng đủ các tiêu chí để trình thành phố phân loại, xếp hạng sản phẩm OCOP.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho hay: "Trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề có lợi thế, như: Nem, đậu, rượu nếp, rau an toàn, nấm..., và sẽ hỗ trợ các nhóm sản phẩm này nâng cao chất lượng để hết năm 2019 có 40 sản phẩm và đến năm 2020 có 107 sản phẩm được phân loại, xếp hạng OCOP".
Nhiều huyện khác như: Phú Xuyên, Thạch Thất... cũng đăng ký mỗi huyện hơn 100 sản phẩm tham gia OCOP... Toàn thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 có từ 800 đến 1.000 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP. Riêng năm 2019, Hà Nội sẽ tổ chức đánh giá xếp hạng 300 sản phẩm.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, mục tiêu Hà Nội đặt ra cao và việc thực hiện là khả thi. Bởi Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận làng nghề truyền thống.
Hơn nữa, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong việc ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm bằng tem điện tử thông minh QRcode với trên 5.000 sản phẩm được gắn mã...
Đây là tiềm năng và cũng là nền tảng để phát triển OCOP. Trên thực tế, qua rà soát, đối chiếu với 6 nhóm sản phẩm trong Chương trình OCOP của Trung ương (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải và may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn), Hà Nội có khoảng 7.200 sản phẩm có lợi thế...
Để phát huy những lợi thế, cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Tổ chức đào tạo, tập huấn, đăng ký nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân..., Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay: Thành phố đang thúc đẩy việc tổ chức các hội chợ, phiên chợ OCOP.
Đơn cử, từ ngày 10 đến 13-10, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức phiên chợ quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên toàn quốc. Đây là "sân chơi" để người sản xuất giới thiệu, quảng bá, bày bán sản phẩm đến người tiêu dùng Thủ đô và khách du lịch, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất phát triển Chương trình OCOP...
“Về lâu dài, Hà Nội sẽ đầu tư cho 3 làng nghề gồm: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) phát triển OCOP gắn với du lịch. Đồng thời, triển khai xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội, dự kiến đặt tại huyện Đông Anh (trên đường đến sân bay quốc tế Nội Bài) để thuận lợi cho việc giới thiệu, quảng bá và bày bán sản phẩm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Hà Nội”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin.