Để công viên thực sự là điểm đến
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 12/10/2019
Lâu nay, trên địa bàn thành phố, ở một số công viên do cấp quận, huyện quản lý còn chưa tốt vấn đề an ninh, vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng..., dẫn đến việc đất và không gian chung của công viên bị lấn chiếm. Trong khi đó, một số công viên đầu tư theo hình thức xã hội hóa (Tuổi trẻ Thủ đô, Gamuda...), chủ đầu tư chưa thực hiện đúng hoàn toàn theo giấy phép xây dựng. Còn với hệ thống công viên như Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ... đều đã có “tuổi thọ” nhất định và phần lớn đều “khoác” những “chiếc áo” cũ kỹ. Mặc cho diện mạo đô thị thay đổi từng ngày, những công viên này vẫn im lìm “chìm” trong dòng chảy thời gian. Hình hài đã vậy, nhưng bên trong những thực thể này còn lộ rõ những “vết cứa” của thời gian khi nhiều hạng mục xuống cấp...
Thực trạng này đã được nhìn nhận, đánh giá và thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang các công viên trong từng giai đoạn. Song, do việc cải tạo, sửa chữa mới đáp ứng được nhu cầu trước mắt, hỏng đâu, sửa đấy nên còn thiếu tính tổng thể, không đồng bộ... Vì thế, nhiều công viên đã lâm vào cảnh sửa được chỗ này thì chỗ khác đã xuống cấp, rất lãng phí và thiếu hiệu quả.
Với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc tạo dựng những “lá phổi xanh” cho Thủ đô là vô cùng cấp thiết. Và điều quan trọng là phải làm thế nào để các công viên thực sự là điểm đến thu hút của cộng đồng. Trước yêu cầu này, việc cải tạo, trùng tu để chống xuống cấp cho các công viên hiện có phải là nhiệm vụ thường xuyên, mang tính đồng bộ, bảo đảm mục tiêu phục vụ lâu dài, tránh thất thoát lãng phí.
Nhiệm vụ trước tiên phải thuộc về những đơn vị đã được thành phố giao quản lý hệ thống công viên. Các đơn vị này phải thường xuyên kiểm tra, rà soát để phát hiện những hư hỏng nhằm có phương án sửa chữa kịp thời. Có sự ưu tiên, chọn lọc, dành nguồn kinh phí nhất định cho những hạng mục quan trọng, cần kíp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sửa chữa theo từng giai đoạn - trước mắt và lâu dài, chi tiết và tổng thể, để có lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả. Mỗi cấp, mỗi ngành được giao quản lý cũng cần nâng cao tính chủ động trong việc huy động nguồn lực nâng cấp, sửa chữa các công viên.
Trong những năm qua, kinh phí đầu tư cải tạo các công viên phần lớn được lấy từ ngân sách nhà nước. Đây là nguồn vốn rất hạn hẹp nên yêu cầu sử dụng hiệu quả đòi hỏi càng cao. Vì thế, trong quá trình sửa chữa, tôn tạo, công tác kiểm tra, giám sát phải được coi trọng, bảo đảm công trình có chất lượng. Đồng thời, các cấp, ngành chức năng cần kêu gọi xã hội hóa để công viên có thêm nguồn đầu tư dồi dào hơn.
Về tổng thể, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống thông tin tích hợp chung để thu thập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu về quản lý công viên, vườn hoa. Từ đó, công tác quản lý sẽ thống nhất và hạn chế sự lấn chiếm, sử dụng đất công viên sai mục đích. Cũng từ nguồn thông tin này, công tác theo dõi, chống xuống cấp và xử lý những vi phạm tại công viên trên địa bàn toàn thành phố sẽ đồng bộ, kịp thời.
... Chỉ khi được quan tâm, nâng cấp thường xuyên thì hệ thống công viên mới thực sự trở thành một kho tài sản thiên nhiên quý giá, góp phần tạo diện mạo xanh, văn hiến, văn minh, là điểm đến của nhân dân Thủ đô.