Thay đổi nhận thức và cái nhìn của công dân về quan điểm ''hành chính phục vụ''

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 10:16, 27/08/2022

(HNMO) - Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 8495/VP-KSTTHC ngày 24-8-2022 về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án “Mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Đề án “Mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội” dự kiến sẽ quy định thống nhất thực hiện chung trên toàn thành phố việc sử dụng bộ nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn chung về màu sắc, kích cỡ, tên gọi trên các ứng dụng điện tử, ứng dụng văn phòng, ứng dụng nội, ngoại thất; khẩu hiệu thống nhất là “Hành chính phục vụ” tại bộ phận “một cửa” các cấp và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố.

Về hạ tầng, cơ sở vật chất, dự kiến bộ phận “một cửa” các cấp và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính có diện tích tối thiểu đạt từ 40m2 trở lên; bố trí tại vị trí thuận tiện, dễ tìm; thuận tiện trong liên kết, di chuyển tới các bộ phận, đơn vị khác trong khu vực đơn vị, bảo đảm thuận lợi trong xử lý công việc; liên kết tới các khu vực chức năng phụ trợ như khu vệ sinh, nơi để xe… phục vụ yêu cầu công dân đến giao dịch. Bộ phận “một cửa” các cấp và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính các cấp được trang bị các thiết bị phục vụ công tác theo quy định.

Bảo đảm trong bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đủ 5 khu vực. Ưu tiên việc nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc đã có hoặc thuê, hoán đổi công năng sử dụng của công trình sẵn có để tránh lãng phí. Các đơn vị có diện tích bộ phận “một cửa” dưới 40m2, trên cơ sở kết quả thí điểm của UBND quận Hoàn Kiếm sẽ nghiên cứu và đề xuất phương án thực hiện trên địa bàn.

Đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định; có tác phong, thái độ giao tiếp, cư xử lịch sự, hòa nhã, cởi mở, thân thiện, chuẩn mực, đúng quy chế văn hóa công sở; có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin và văn hóa ứng xử, giao tiếp với tổ chức, cá nhân.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc áp dụng thực hiện mô hình là cần thiết và khả thi, mang lại một số tác động tích cực. Trong đó, thay đổi trong nhận thức và cái nhìn của công dân đối với các cơ quan hành chính từ quan điểm “hành là chính” sang quan điểm “hành chính phục vụ”; giảm các chi phí phát sinh và tạo các điều kiện để công dân có thể thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính được thuận lợi và nhanh chóng.

Đây cũng là một bước cải cách đột phá trong việc xây dựng hình ảnh và niềm tin của công dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; thay đổi về cung cách phục vụ và tư duy lãnh đạo cũng như phong cách làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng được hình ảnh và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chuyên nghiệp, tinh nhuệ.

Về tổ chức thực hiện, đáng chú ý, thành phố dự kiến nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức người lao động tại bộ phận “một cửa” phù hợp, bảo đảm việc hoàn thành nhiệm vụ tương xứng với năng suất lao động.

Cụ thể, xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố về việc quy định về mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận (dự kiến mức hỗ trợ từ 2-3 triệu đồng/người/tháng). Đồng thời, xây dựng Nghị quyết hoặc quy định về việc ưu tiên trong công tác luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Mai Hữu