Phòng cháy mùa hanh khô: Cần chủ động từ cơ sở
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 12/10/2019
Diễn biến phức tạp, khó lường
Chỉ trong thời gian từ cuối tháng 8-2019 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân) ngày 28-8; vụ cháy chợ Tó (huyện Đông Anh) ngày 23-9; vụ cháy tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (quận Hoàn Kiếm) ngày 28-9…
Theo Trung tá Lã Tiến Đông, Đội phó Đội Công tác chữa cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội), trong thời gian này, cháy xảy ra ở tất cả các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy cao như kho, xưởng, chợ, chung cư, nhà tập thể, nhà ống…
Trong số nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy trên địa bàn thành phố, sự cố về điện chiếm tới hơn 60% và luôn là nguy cơ thường trực. Tìm hiểu thực tế tại một nhà trọ ở số 947 đường La Thành (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), có thể dễ dàng nhận thấy mạng lưới điện của cả khu nhà trọ được lắp đặt sơ sài, xuống cấp. Không chỉ vậy, những người thuê trọ còn đấu nối, lắp thêm các thiết bị điện một cách tùy tiện... Ông Hoàng Văn Bắc, chủ nhà trọ cho biết, rất khó cải tạo hệ thống điện bởi nhà trọ đã được thi công từ lâu, chỉ có xây dựng lại thì mới giải quyết triệt để. Chị Vũ Thị Liên, người thuê trọ tại đây cho biết, dù biết nguy hiểm nhưng cũng đành chấp nhận bởi giá thuê phòng phù hợp với thu nhập của những người lao động tự do như chị…
Tình hình này cũng diễn ra ở các khu vực khác như: Kim Chung, Hải Bối (huyện Đông Anh); Phùng Khoang, Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); Tân Triều (huyện Thanh Trì)… - những nơi có đông học sinh, sinh viên, người lao động thuê trọ.
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, trong số các loại hình xảy ra cháy trong mùa hanh khô, các cơ sở như nhà ở dạng ống kết hợp kinh doanh; nhà kho, xưởng sản xuất… chiếm 80%-85% số thiệt hại về người và tài sản. Tại quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Huy Cường cho biết, qua kiểm tra các cơ sở như nhà kho, xưởng sản xuất, nhà ở dạng ống kết hợp kinh doanh cho thấy, nhiều nơi chỉ có duy nhất một lối thoát nạn, đường giao thông không bảo đảm cho công tác chữa cháy. Mặt khác, các cơ sở này chứa nhiều loại hàng hóa, hóa chất dễ cháy. “Người lao động trong các cơ sở chủ yếu là lao động phổ thông nên ý thức còn hạn chế. Trong khi đó, các chủ cơ sở thường lẩn tránh, không tiếp xúc với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác quản lý”, ông Nguyễn Huy Cường nói.
Tăng cường phòng cháy từ cơ sở
Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, hiện chưa có nhiều mô hình, phương pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả để triển khai nhân rộng. Do đó, trong thời gian tới Công an thành phố sẽ chú trọng xây dựng các giải pháp phù hợp thực tế theo từng lĩnh vực, địa bàn, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng của các lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ nhằm xây dựng các địa bàn an toàn, không xảy ra các sự cố cháy nổ.
Để chủ động xử lý các tình huống cháy nổ trong mùa hanh khô trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Lăng cho biết, bên cạnh nguồn nước tự nhiên của ao, hồ, phường đã tổ chức xây dựng các bể nước ngầm phục vụ chữa cháy nằm trong khu dân cư. Với đặc thù địa bàn có nhiều ngõ, ngách nhỏ, phương tiện chữa cháy chuyên dụng khó tiếp cận thì việc xây dựng bể nước ngầm kết hợp với máy bơm cỡ nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu chữa cháy trên địa bàn phường...
Tại phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), Trung tá Phạm Đức Dũng, Trưởng Công an phường cho biết, Công an phường đã tự bỏ kinh phí mua máy bơm để kịp thời chữa cháy trong các khu dân cư đông đúc, giao thông không thuận lợi... Đồng thời, phường cũng thiết lập 2 đội chữa cháy cơ động, giúp hoạt động chữa cháy ban đầu tăng thêm tính hiệu quả, xử lý kịp thời sự cố cháy trên địa bàn phường.
Với đặc thù làng nghề sản xuất tăm hương, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) là địa bàn có nguy cơ cao về cháy nổ. Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Lê Văn Dịu cho biết, nhận thức được sự nguy hiểm của cháy nổ nên người dân, đặc biệt là các hộ sản xuất đã tự mua các trang thiết bị chữa cháy chuyên dụng tại gia đình cũng như kho, xưởng sản xuất. Tuy nhiên, có hạn chế là hầu hết các cơ sở sản xuất chưa mua bảo hiểm cháy, nổ...
Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ diễn ra ngày 9-10 vừa qua, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, thành phố đang trong mùa hanh khô, nguy cơ về cháy nổ rất cao. Do đó, để nâng cao ý thức người dân, hạn chế tối đa các sự cố cháy, nổ, UBND 30 quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hằng ngày sử dụng các phương tiện truyền thanh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, UBND các phường, xã, thị trấn hằng tuần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiến hành kiểm tra, nhắc nhở về công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.
Chỉ khi công tác phòng cháy, chữa cháy được chính các chủ cơ sở, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và người dân quan tâm phòng ngừa thì nguy cơ cháy, nổ mới giảm.