Một tấm lòng vì quê hương
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:21, 13/10/2019
Góp công, góp của vì việc làng, việc xã
“Đường trục chính của xóm 7 nối từ cánh đồng về làng chỉ rộng 2,5m. Sau khi dồn điền đổi thửa, địa phương đã quyết định mở rộng tuyến đường lên 5m. Nhân dân đã góp sức cùng Nhà nước triển khai, trong đó, gia đình bà Nguyễn Thị Phức chủ động ủng hộ thôn, xóm 60 triệu đồng...” - ông Đỗ Đức Mạnh, cán bộ Văn phòng UBND xã Hồng Thái cho biết.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, bà Phức tâm sự: “Năm 2015, xã Hồng Thái đồng loạt triển khai nhiều công trình hạ tầng để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Xã và thôn kêu gọi người dân tham gia xã hội hóa nhằm tạo thêm nguồn lực trong đầu tư. Tôi nhận thấy, làm đường là rất cần thiết trong phát triển kinh tế - xã hội nên tham gia ngay. Ngoài khoản đóng góp như mọi người, gia đình tôi ủng hộ thêm kinh phí để địa phương mua nguyên vật liệu, thuê máy móc mở đường”.
Không chỉ vậy, bà Nguyễn Thị Phức còn là hội viên tích cực của Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Thái. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lạc Dương (xã Hồng Thái) Nguyễn Thị Chấp cho biết: Chi hội đảm nhận một tuyến đường phụ nữ tự quản trồng hoa và một tuyến đường cây bóng mát của thôn. Việc trồng, chăm sóc, nhặt cỏ giữ cho đường hoa, đường cây luôn sạch đẹp do hội viên phụ nữ đảm nhận và bà Phức là một trong những người tham gia nhiệt tình. Vào thời điểm bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở địa phương, bà Phức cùng chị em tích cực rắc vôi bột, tẩy độc môi trường. Về câu chuyện này, bà Phức chia sẻ: “Mặc dù khá bận rộn với trang trại và xưởng sản xuất mộc nhưng những lúc các chi hội ở cơ sở phát động vệ sinh môi trường, tôi luôn sắp xếp công việc để tham gia với ý nghĩ góp phần làm đẹp làng quê, trong đó mình và gia đình cùng được thụ hưởng...”.
Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Lê Văn Ấm, nhiều năm qua, nhân dân tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng theo phương châm xã hội hóa để xây dựng, trùng tu các công trình tâm linh; làm đường; mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa... Trong phong trào chung đó, bà Nguyễn Thị Phức luôn là người tiên phong, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Với sự chung tay góp sức của người dân, năm 2016, xã Hồng Thái đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Làng quê Hồng Thái hôm nay ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống nhân dân được nâng cao nhờ những mô hình kinh tế hiệu quả...
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái Phan Duy Hưng thông tin thêm: “Triển khai xây dựng nông thôn mới, trong tổng kinh phí hơn 156,7 tỷ đồng xã huy động từ nguồn xã hội hóa, có hơn 17,4 tỷ đồng do nhân dân đóng góp bằng tiền, đất, ngày công lao động... Nguồn lực này đã góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hồng Thái. Gia đình bà Nguyễn Thị Phức là một trong những hộ điển hình trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trân trọng ghi nhận là tấm gương sáng”.
Hiện nay, xã Hồng Thái tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Người dân thôn Lạc Dương đề nghị xã cho phép xã hội hóa trong xây dựng cổng làng, cổng xóm để làng quê đẹp hơn. “Nếu địa phương triển khai xây dựng các công trình này, gia đình tôi tiếp tục ủng hộ kinh phí...” - bà Nguyễn Thị Phức hồ hởi nói.
Năng động trong phát triển kinh tế
Hồng Thái là xã đông dân, thuần nông lại xa trung tâm huyện nên để nâng cao đời sống cho người dân, xã xác định: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... hướng nông dân làm giàu trên chính đồng ruộng quê hương. Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Lê Văn Ấm cho biết, với đặc thù đồng đất chia hai vùng rõ rệt, vùng đồng và vùng bãi, Hồng Thái đã nghiên cứu đưa cây trồng, vật nuôi phù hợp vào canh tác, sản xuất, qua đó, nâng cao giá trị thu nhập từ đất đai. Đến nay, vùng đồng của Hồng Thái chuyên trồng lúa và phát triển mô hình trang trại; vùng bãi ven sông Hồng chuyên canh rau màu, đặc biệt là cây măng tây xanh. Gia đình bà Nguyễn Thị Phức là một trong những hộ năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình trang trại.
Trên diện tích đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, gia đình bà Phức xây dựng trang trại tổng hợp vừa chăn nuôi lợn, vừa trồng cây ăn quả và thả cá. Bà Phức cho biết: "Trước năm 2015, ruộng của gia đình tôi chỉ cấy lúa đơn thuần, do gần làng nên chuột thường xuyên cắn phá, sản xuất không hiệu quả. Cách đây 3 năm, khi dồn điền đổi thửa, xã và huyện có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tôi đã nghiên cứu và chuyển từ trồng lúa sang mô hình vườn - ao - chuồng. Để có trang trại như hôm nay, tôi đã thuê máy xúc, múc đất, tôn ruộng cao để trồng cây ăn quả, phần đất trũng thì làm ao thả cá. Đến nay, trang trại bắt đầu cho thu hoạch từ nuôi cá. Phần diện tích trồng cây ăn quả được phủ xanh bởi cây bưởi, nhãn, ổi...”.
Không chỉ làm trang trại, nhiều năm nay, gia đình bà Phức còn phát triển nghề sản xuất đồ mộc nội thất. “Đây là nghề truyền thống của gia đình. Công ty TNHH Đại Việt do chồng tôi làm giám đốc chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất, tạo việc làm cho 60 lao động địa phương. Những thợ tay nghề cao có mức lương 15 triệu đồng/người/tháng, thợ phụ thì 6-7 triệu đồng/người/tháng...” - bà Phức chia sẻ. Từ việc năng động trong sản xuất, kinh doanh, gia đình bà Phức trở thành một trong những hộ giàu ở xã. Năm 2018, thu nhập của gia đình bà đạt 1,5 tỷ đồng, được Hội Nông dân huyện Phú Xuyên công nhận là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Với những đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký quyết định tặng Bằng khen và danh hiệu "Người tốt - Việc tốt" năm 2019 cho bà Nguyễn Thị Phức. “Bà Phức luôn gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, gia đình bà luôn tiên phong, đóng góp công sức và số tiền không nhỏ cho các phong trào do địa phương phát động. Những việc làm đáng trân trọng của bà Phức đã lan tỏa trong cộng đồng, tạo nguồn lực mới cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp...” - Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Lê Văn Ấm ghi nhận.