Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nghiệp phải hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 12:33, 13/10/2019
Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, 74 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương và Trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Thánh Gióng 2019 đã diễn ra tại Hà Nội sáng 13-10.
Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức với sự tham dự của 100 doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu được trao tặng Cúp Thánh Gióng năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có bài phát biểu tôn vinh giới doanh nhân Việt Nam.
Hơn một tháng sau ngày tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 13-10-1945, Bác Hồ đã gửi một bức thư cho giới công thương, trong đó nhấn mạnh: "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này".
Bức thư này đến nay vẫn được xem là bằng chứng rõ nhất cho thấy thông điệp của Bác về vai trò quan trọng của giới công thương, lực lượng được xác định là sẽ "phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng".
Xuất phát từ tinh thần đó, ngày 9-12-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Doanh nhân đang ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, hai từ “doanh nhân” đã xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần và trân trọng biểu dương những nỗ lực, đóng góp lớn lao của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cách đây ba ngày, Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố Việt Nam tăng 10 bậc, trở thành quán quân về sự bứt phá trên đường đua toàn cầu về cải thiện năng lực cạnh tranh.
Ngân hàng Phát triển châu Á tuần qua cũng ghi nhận Việt Nam dẫn đầu ASEAN và trong nhóm dẫn đầu châu Á về tốc độ tăng trưởng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới giảm tốc, bất ổn gia tăng, đó là một thành công lớn. Đóng góp vào những thành quả đó có vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam.
Không chỉ tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt tạo ra của cải vật chất cho xã hội, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cho biết, hiện nay, chúng ta đã có hàng triệu doanh nhân đang điều hành gần 750.000 doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra việc làm cho hàng chục triệu người dân, đóng thuế cho Nhà nước và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Làm việc không ngừng nghỉ, 24 trên 7 (24 giờ 7 ngày).
“Có khi ngay cả trong mơ cũng còn trăn trở về bài toán kinh doanh, về thương trường vì trách nhiệm lớn lao phải gánh vác. Đằng sau mỗi doanh nhân không chỉ là tài sản của cá nhân mình mà còn là cuộc sống của hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn hay chục nghìn người lao động và gia đình họ”, Thủ tướng nói.
Cho biết, mấy ngày qua, Trung ương đã thảo luận về chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Thủ tướng nhấn mạnh đó là các thời điểm quan trọng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng và thành lập nước. Mục tiêu của chúng ta hướng tới là trở thành nước phát triển có thu nhập cao, có thể chế và năng lực cạnh tranh vượt trội, nằm trong nhóm các nền kinh tế dẫn đầu khu vực ASEAN và châu Á.
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế, vươn tới những chuẩn mực hàng đầu trong khu vực và thế giới để tạo môi trường, bệ đỡ cho sự phát triển nhanh, bền vững của doanh nghiệp, doanh nhân.
“Chính phủ sẽ đồng hành và hậu thuẫn cho sự nghiệp làm ăn của người dân và doanh nghiệp. Trong thành công của doanh nghiệp có đóng góp của chính quyền và trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền. Thành công của doanh nghiệp, doanh nhân là thành công của Chính phủ, của nhân dân và đất nước”, Thủ tướng nói.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân “hãy chung tay với Đảng và Nhà nước trong những nỗ lực phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách thể chế pháp luật, hoàn thiện môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu tự nâng cấp mình, vươn tới những chuẩn mực toàn cầu. Đổi mới thể chế và nâng cấp doanh nghiệp là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam bay lên”.
Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nhân “phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh” như tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp đã đề ra.
“Để đất nước phát triển bền vững thì mỗi doanh nghiệp phải phát triển bền vững, nghĩa là doanh nghiệp cũng cần hài hòa ba đỉnh của tam giác phát triển là kinh tế, xã hội và môi trường”, Thủ tướng nói và nêu rõ, khi thương hiệu Việt được quốc tế đánh giá cao, người tiêu dùng trong nước sẽ càng thêm tin tưởng.
Thủ tướng cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp khắc phục sự thiếu tính gắn kết, đoàn kết; thiếu tính chuyên nghiệp; còn lãng phí, chưa hiệu quả và tinh thần đổi mới, sáng tạo chưa cao. Cùng với đó là hợp tác với trường đại học, tổ chức nghiên cứu để tham gia hiệu quả vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trực tiếp cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo.
Bày tỏ vui mừng vì số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2019 tiếp tục đạt kỷ lục mới với trên 102.000 doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng mạnh, đạt trên 12 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay, Thủ tướng cho rằng, đó chính là niềm tin thị trường, niềm tin xã hội và niềm tin của doanh nghiệp đối với Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chúc mừng các doanh nhân được trao tặng Cúp Thánh Gióng lần này, những doanh nhân đại diện cho tấm gương tiêu biểu nhất của cộng đồng doanh nghiệp, mang tinh thần Thánh Gióng bay lên trong kỷ nguyên số. Việt Nam có giàu có, thịnh vượng hay không, vai trò then chốt thuộc về đội ngũ doanh nhân của đất nước. “Doanh nghiệp, doanh nhân thịnh vượng là đất nước thịnh vượng”, Thủ tướng nói.
Theo Ban tổ chức, danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Thánh Gióng được tổ chức lần đầu năm 2006 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Danh hiệu này được bình xét và trao tặng cho 100 doanh nhân tiêu biểu toàn quốc theo quy định 3 năm/lần. Tiêu chí xét tặng danh hiệu được dựa vào thành tích của doanh nghiệp do doanh nhân lãnh đạo hay làm chủ trong 3 năm liên tục; thành tích cá nhân của các doanh nhân giữ chức vụ lãnh đạo cũng từ 3 năm trở lên.
Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Thánh Gióng là hình thức khen thưởng, tôn vinh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối với người lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đang hoạt động theo pháp luật Việt Nam, có thành tích xuất sắc trên mọi hoạt động liên quan đến xây dựng, phát triển doanh nghiệp, đóng góp cho kinh tế xã hội của đất nước và nâng cao đời sống người lao động.
Qua 5 tháng phát động và triển khai, Ban tổ chức trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019 đã chọn được 100 doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất. Họ vượt qua hơn 500 doanh nhân được đề cử từ các bộ, ngành, UBND các tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp, xứng đáng được trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019.