15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX: Nâng tầm hiệu quả kinh tế tập thể
Kinh tế - Ngày đăng : 15:15, 14/10/2019
Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; đại diện các bộ, ngành, địa phương. Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu.
Kinh tế tập thể phát triển, từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 15 năm qua, kinh tế tập thể phát triển cả về số lượng và chất lượng; từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài. Tính chung, kinh tế tập thể và hộ gia đình chiếm trên 30% GDP. Chính phủ thường xuyên quan tâm đến hoạt động của các hợp tác xã, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển, tham gia vào các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Riêng từ năm 2013-2016, đã có 554 lượt hợp tác xã tham gia vào các chương trình mục tiêu phát triển, với tổng kinh phí 74,965 tỷ đồng. Năm 2018 có 596 hợp tác xã tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện, cả nước có 22.861 hợp tác xã, trong đó số đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn một nửa. Trong 5 năm gần đây, số hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh và năm 2018 có 2.521 đơn vị thành lập mới (cao gấp 2,6 lần so với năm 2003). Số lao động làm việc trong khu vực này là 1,2 triệu người. Hiện, có 57% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả và doanh thu trung bình của mỗi đơn vị đạt 4,477 tỷ đồng/năm; lãi bình quân tăng từ 74 triệu đồng năm 2003 lên 240,5 triệu đồng năm 2018...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, khu vực hợp tác xã đang phục hồi và phát triển khá ổn định. Số lượng tăng đều qua từng năm và trải rộng trên các vùng, miền; với chất lượng được nâng lên một bước. Quy mô, vốn và lĩnh vực hoạt động được mở rộng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; từ đó bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số hợp tác xã đã chủ động theo đuổi mục tiêu sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, hướng tới phát triển bền vững. Đến nay, có 1.200 hợp tác xã tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, các hợp tác xã chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhiều đơn vị còn gặp khó khăn, năng lực nội tại của một số đơn vị còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; năng lực quản lý hạn chế nên khó đáp ứng yêu cầu trong điều kiện kinh tế thị trường. Sự liên kết giữa các đơn vị thiếu chặt chẽ, vai trò của liên hiệp hợp tác xã chưa được phát huy; công tác tài chính, kế toán chưa thực hiện bài bản, việc xây dựng báo cáo tài chính và phương án sản xuất còn hạn chế...
Tham luận tại hội nghị, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Saigon Co.op hiện có mức tăng trưởng doanh số bình quân trên 25%/năm, đạt hơn 32.000 tỷ đồng, nắm giữ khoảng 40% thị phần bán lẻ tạp hóa hiện đại, lợi nhuận tăng trưởng khoảng 15%/năm, nộp ngân sách hơn 200 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 16.000 người lao động…
Đặc biệt, tại các địa phương kinh tế tập thể có sự phát triển mạnh mẽ. Đơn cử, tại Hà Nội, tính đến ngày 31-12-2018, trên địa bàn thành phố có 1.867 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân, tăng 16,69% số hợp tác xã so với thời điểm 31-12-2003; trong đó có 938 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục tăng lên, hiện Hà Nội có số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%). Hiệu quả hoạt động của hợp tác xã ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh đa dạng hơn. Các hợp tác xã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh bức xúc, phát triển văn hóa, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể còn bộc lộ một số hạn chế như: Quy mô hợp tác xã còn nhỏ, trong đó hợp tác xã có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 76,6%; một số hợp tác xã chậm thích nghi với cơ chế thị trường; liên kết giữa các đơn vị còn lỏng lẻo, yếu kém về năng lực quản trị điều hành…
Phát triển kinh tế tập thể toàn diện cả về môi trường, văn hóa
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hội nghị này củng cố niềm tin đổi mới cách làm kinh tế hợp tác xã, qua đó tiếp tục nâng cao vai trò của nền kinh tế tập thể, kinh tế nhiều thành phần ở nước ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay số lượng hợp tác xã tăng theo từng năm, phát triển đồng đều tại các vùng miền, đặc biệt phát triển theo mô hình mới, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ tạo cạnh tranh. Thủ tướng đánh giá cao sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, liên minh hợp tác xã, Mặt trận Tổ quốc… đóng góp xây dựng vào khu vực kinh tế quan trọng này, nhất là một số tỉnh ủy có nghị quyết chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra, so với khu vực kinh tế khác, tốc độ phát triển khu vực kinh tế này còn chậm, chưa ổn định, đóng góp vào GDP còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, nên cần đặc biệt quan tâm. Quy mô, phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, một số bộ phận dân cư chưa tích cực tham gia mô hình hợp tác xã kiểu mới... Trong đó nổi cộm là vấn đề tiếp cận vốn, đất đai, nguồn nhân lực, công nghệ, thông tin thị trường và hội nhập. Cơ chế liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp còn thấp, chưa tạo ra sự thay đổi căn bản trong quan hệ sản xuất ở nông thôn, tiến tới yếu tố bình đẳng cùng có lợi.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế tập thể thông qua việc tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội.
Phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức hợp tác xã và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và của cả nước.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác. Liên kết, hợp tác phát triển với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp, coi đây là phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng lực công nghệ và giải quyết các vấn đề thị trường cho nông nghiệp, nông dân trong giai đoạn phát triển tới.
Rà lại các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, chính sách đất đai, chính sách tài chính-tín dụng, chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng... xem những gì có thể sửa để tạo thuận lợi hơn cho kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển...
Trên cơ sở báo cáo tổng kết, những kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhân dịp này, 4 tập thể được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 21 tập thể và 22 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 74 tập thể và 48 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội thành lập mới khoảng 250-300 tổ hợp tác; 250-300 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã; 70% hợp tác xã bảo toàn vốn, kinh doanh có lãi. Đến năm 2030, thành lập mới khoảng 450-500 tổ hợp tác; 450-500 hợp tác xã; 4 liên hiệp hợp tác xã; 90% hợp tác xã bảo toàn vốn, kinh doanh có lãi. Thành phố đang tiến hành chuyển đổi dữ liệu đăng ký hợp tác xã vào hệ thống thông tin quốc gia.