Giá gà công nghiệp giảm sâu sau nhiều năm: Giải “bài toán” chăn nuôi tự phát
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:49, 14/10/2019
Tăng nguồn cung đột biến - giá gà công nghiệp giảm sâu
Từ cách đây khoảng 2 tháng, các hộ chăn nuôi gia cầm như thể đã “đứng ngồi không yên” vì giá gà giảm sâu. Bà Quách Thị Nga ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cho biết: Trang trại của gia đình nuôi 8.000 con gà công nghiệp, cách đây khoảng 2 tháng, giá gà loại này chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg, đến nay tuy tăng lên 19.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp dưới mức giá thành sản xuất (là 24.000-25.000 đồng/kg) khá xa. Đây là mức giá giảm sâu nhất trong 10 năm qua. Còn theo ông Nguyễn Văn Tâm, chủ một trại gà với quy mô 6.000 con ở huyện Quốc Oai: Giá gà giảm mạnh từng ngày, thương lái còn lợi dụng xu hướng này để ép giá, khiến người chăn nuôi càng gặp nhiều khó khăn...
Nhận định về tình trạng giá gà công nghiệp giảm mạnh thời gian qua là do cung vượt cầu, theo ông Hoàng Kim Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết thêm: Tổng đàn gà của thành phố hiện vào khoảng 23,5 triệu con, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, giá gà công nghiệp giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến các hộ chăn nuôi. Tính sơ bộ nếu mỗi trang trại nuôi 10.000 con, với giá bán 12.000-14.000 đồng/kg thì người nuôi sẽ lỗ khoảng 200-250 triệu đồng khi xuất chuồng...
Cũng về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Nguyên nhân lớn nhất là do nguồn cung tăng đột biến. Trước tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi gà công nghiệp vì thời gian nuôi chỉ mất 35-42 ngày. Do vậy, trong một thời gian ngắn, tổng đàn gia cầm cả nước đã tăng 462 triệu con, trong đó riêng gà là 358 triệu con, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Chẳng hạn như tỉnh Tiền Giang tăng 11,8% (với tổng đàn gia cầm 14,8 triệu con); Sóc Trăng tăng 12,61% (với tổng đàn gia cầm 7,7 triệu con)… Chính việc tăng đàn ồ ạt ở một số địa phương trong cùng một thời điểm đã dẫn đến cung vượt cầu, do đó giá tiêu thụ bị giảm sâu.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, việc gia tăng nhập khẩu thịt gà cũng đã tác động tới giá gà công nghiệp giảm mạnh. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: Trong 8 tháng năm 2019, Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thịt gà, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và giá gà nhập khẩu chỉ khoảng 18.000 đồng/kg, cạnh tranh với thịt gà nội địa.
Sản lượng gà công nghiệp tăng nhằm bù đắp lượng thịt lợn bị giảm do bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trong khi người tiêu dùng vẫn quen sử dụng thịt lợn nên có tình trạng dư thừa gà. Tuy nhiên, có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến giá gà công nghiệp giảm sâu là do chăn nuôi tự phát, thiếu kiểm soát nên cung vượt cầu. Vậy, đâu là giải pháp căn cơ để phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững?
Phát triển theo quy hoạch, mở rộng xuất khẩu
Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT) đưa ra dự báo: Giá gà công nghiệp chỉ giảm mạnh cục bộ trong thời gian ngắn, đến nay đã tăng 18.000 đồng đến 19.000 đồng/kg, thời gian tới sẽ tăng 23.000 đồng đến 25.000 đồng/kg và tiếp tục tăng trong vài tháng tới do nhu cầu tiêu dùng tăng. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết: Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố thống kê đàn gia cầm, sản lượng thịt, thực tế tái đàn, kết hợp với lượng thịt nhập khẩu để có nhận định về nguồn cung vào những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán... “Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng các loại thịt nhập khẩu để bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không, thịt gà trong nước sẽ bị cạnh tranh không lành mạnh” - ông Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh.
Với địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Thành phố sẽ tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó, tập trung vào sản xuất con giống, nhất là những giống gà bản địa như: Gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; gà mía Sơn Tây... Thành phố khuyến khích các hộ chăn nuôi gà công nghiệp nhưng theo hướng gia công cho các công ty nước ngoài để bảo đảm đầu ra thuận lợi và tránh những tác động tiêu cực khi giá xuống thấp. Đồng thời, Hà Nội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào khâu sơ chế, giết mổ gia cầm theo hướng hiện đại và thu mua sản phẩm cho người dân.
Xuất khẩu cũng là một hướng mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus - doanh nghiệp đang xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản cho rằng: Để đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà, các địa phương phải xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường và xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào các thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines...
Về định hướng phát triển chăn nuôi, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Các địa phương phải khuyến cáo người dân phát triển chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng theo quy hoạch. Liên quan đến khâu tiêu thụ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, đối với thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phát triển những sản phẩm thịt gà chế biến, để có thể thâm nhập vào các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Còn với thị trường trong nước, Bộ NN&PTNT định hướng gia tăng tỷ trọng thịt gà từ 20% đến 21% như hiện nay lên trên mức 25% và giảm tỷ trọng thịt lợn, theo xu hướng thế giới đồng thời tránh phụ thuộc vào thịt lợn, đặc biệt trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá bán giảm, người chăn nuôi thua lỗ. Để giải “bài toán” này, các địa phương cần khuyến cáo người dân chăn nuôi theo quy hoạch; đồng thời tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi gà sạch theo chuỗi giá trị, vừa cung cấp cho thị trường nội địa vừa tham gia xuất khẩu...