Thành phố Hồ Chí Minh: Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai
Bất động sản - Ngày đăng : 08:43, 14/10/2019
Còn tình trạng lãng phí đất
Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định thu hồi toàn bộ khu “đất vàng” rộng gần 11.000m2 tại góc đường Lê Hồng Phong - Vĩnh Viễn (phường 2, quận 10). Đây là khu đất do Nhà nước quản lý, được Công ty cổ phần Giày Sài Gòn (GSG) thuê lại nhưng đã sử dụng đất không đúng mục đích. Được biết, GSG thuê với giá chỉ 100.000 đồng/m2/năm (gần 1,1 tỷ đồng/năm cho toàn bộ lô đất), gây thất thu ngân sách nhà nước.
Tương tự tại quận 2, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2 cho biết, hiện trên địa bàn quận còn 2 dự án lớn chậm triển khai là khu đất 154ha thuộc phường Bình Trưng Đông và phường Cát Lái; khu đất 88ha thuộc phường Cát Lái. Riêng khu 154ha, lý do chậm triển khai là do năng lực chủ đầu tư yếu kém nên UBND thành phố thu hồi quyết định giao đất.
Ngay tại trung tâm quận 1, hàng loạt khu “đất vàng” chậm hoặc không thể triển khai do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chủ đầu tư lợi dụng khe hở của pháp luật để “xí” đất nhưng thực tế lại thiếu năng lực tài chính và chuyên môn.
Đơn cử, tại khu tứ giác Bến Thành (quận 1) có tổng diện tích 8.600m2, sau gần 6 năm kể từ khi UBND thành phố chấp thuận giao đất cho một doanh nghiệp đầu tư dự án phức hợp gồm văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn nhưng hiện chỉ mới xây dựng xong hạng mục ngầm. Mới đây, thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan để tái khởi động dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, theo Luật Đất đai 2013, khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, thuế sẽ được tính theo bảng giá đất của Nhà nước; còn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải tính theo giá đất xác định cụ thể do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định. Nhưng trên thực tế, các địa phương thường định giá đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Cách áp dụng này đã làm thất thoát rất lớn nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước, kể cả tiền sử dụng đất, tiền thuê và thuế sử dụng đất.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, thời gian qua cơ quan này đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất. Qua đó, kiến nghị UBND thành phố thu hồi hàng trăm dự án chậm triển khai, gây lãng phí đất đai với tổng diện tích gần 6.000ha.
Cân nhắc lựa chọn nhà đầu tư
Mới đây, Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ trên địa bàn thành phố (Ban Chỉ đạo 167) hủy bỏ 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng và địa chỉ nhà đất công cho các tổ chức, cá nhân mà không thông qua đấu giá. Sau khi thu hồi các khu đất này, thành phố sẽ đưa vào bán đấu giá theo quy định.
Đối với các dự án phát triển đô thị sử dụng quỹ đất lớn, giá trị cao như dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), khu đất 164 Đồng Khởi (quận 1), khu tứ giác Mả Lạng (quận 1), các khu đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2)... UBND thành phố Hồ Chí Minh cân nhắc lựa chọn nhà đầu tư để sử dụng hiệu quả quỹ đất, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết, các dự án trên có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, có nhà đầu tư tiềm năng lớn, tiềm lực tài chính mạnh, có thể ký quỹ hoặc hỗ trợ bồi thường... Thành phố cân nhắc làm sao để lựa chọn được nhà đầu tư xứng đáng nhất, có tiềm lực tài chính để bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ.
“Hiện thành phố có chủ trương rà soát quy hoạch cũ, tiến hành nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp thực tế đối với một số dự án. Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng tiêu chí tổ chức đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm tính minh bạch, công bằng”, ông Võ Văn Hoan cho hay.
Đặc biệt, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về triển khai đấu giá 4 lô đất đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Các lô đất này sẽ đấu giá từng lô để rút kinh nghiệm cho công tác tổ chức đấu giá các lô đất còn lại trong khu vực.
Để công tác quản lý, sử dụng đất hiệu quả, thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết làm trong sạch bộ máy hành chính; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về giao đất, cho thuê đất, phê duyệt dự án đầu tư, sử dụng đất không đúng quy định.
UBND thành phố cũng đã ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, công tác chống lãng phí cũng tập trung vào lĩnh vực đất đai, nhằm chống tiêu cực, chống thất thoát tài sản nhà nước, tài nguyên đất đai của thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá của thành phố và có giới hạn. Do đó, thành phố kiên quyết sử dụng nguồn lực này hiệu quả. Ngoài công tác an ninh, quốc phòng, thành phố ưu tiên phục vụ phát triển nhà ở, an sinh xã hội và các mục đích nhằm thúc đẩy kinh tế của thành phố.