Đổi mới để hoạt động hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 15/10/2019
So với nhiều địa phương trong cả nước, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn Hà Nội được đầu tư khá đồng bộ. Trong đó, ngoài cấp thành phố, quận, huyện, thị xã, 143/584 xã, phường, thị trấn và 2.330/2.528 thôn, làng có nhà văn hóa; 1.689/5.452 tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng… Đặc biệt, hoạt động của hệ thống này ngày càng được quan tâm, từng bước đổi mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Nhờ đó, chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân được nâng lên, góp phần xây dựng người Thủ đô văn minh, thanh lịch, tạo sự phát triển đồng bộ giữa kinh tế và văn hóa - xã hội trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tại Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập. Đó là nhiều xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa hoặc có nhưng hoạt động chưa hiệu quả, khi có tới 34% nhà văn hóa chỉ tổ chức hoạt động được 1 lần/tháng. Công tác quy hoạch nhà văn hóa, khu thể thao triển khai chưa tốt, nhất là ở khu vực nội thành do hạn chế về quỹ đất. Tình trạng nơi thiếu đất, nơi thiếu kinh phí dẫn tới sự phát triển chưa đồng đều của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, cả về trang thiết bị, điều kiện vật chất lẫn nội dung hoạt động...
Với mục tiêu khắc phục bất cập, nâng cao chất lượng hưởng thụ, thu hút thêm người dân tham gia, cũng như để thực hiện tốt Chương trình số 04/CTr-TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2016-2020, ngày 18-9-2019 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND về hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020. Để 100% số thôn trên địa bàn thành phố có nhà văn hóa, 80% tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng… vào năm 2020 như kế hoạch này đề ra, việc tập trung nguồn lực đầu tư lẫn đổi mới nội dung, hình thức, chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là yêu cầu cấp thiết.
Trước hết, công tác quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cần được bổ sung, rà soát, điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn từng địa phương. Vì đây là cơ sở để xác định nguồn lực đầu tư.
Tiếp đó, các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, xây dựng nông thôn mới; kết hợp huy động nguồn vốn từ xã hội cho phát triển thiết chế văn hóa cơ sở. Thực tế, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, có thể học tập, như ngân sách đầu tư xây dựng nhà văn hóa, nhân dân đóng góp kinh phí trang bị cơ sở vật chất...
Đi đôi với phát triển hệ thống thiết chế văn hóa là việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở này. Trong đó, mọi hoạt động phải xuất phát nhu cầu của nhân dân, phục vụ nhân dân. Có như vậy, các thiết chế văn hóa mới hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia; thực sự là nơi gắn kết cộng đồng, xây dựng văn hóa, phát triển con người... Muốn làm được điều đó, ngoài cơ chế thu hút đầu tư, cần có chính sách khuyến khích lực lượng chuyên nghiệp vận hành các cơ sở này thay cho đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm, khó đảm đương công việc.
Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố sẽ từng bước được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rèn luyện thể dục, thể thao của nhân dân tốt hơn.