Từ bài học Mã Pì Lèng
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:46, 16/10/2019
1. Khách sạn, nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama và những người liên quan tới công trình này trở thành tâm điểm của dư luận là bởi nó được xây trên đèo Mã Pì Lèng (còn được gọi là Mã Pí Lèng), đoạn qua hẻm Tu Sản, có tầm nhìn xuống dòng Nho Quế không thể đẹp hơn. “Đệ nhất hùng quan” Mã Pì Lèng, đó là danh thắng nổi tiếng của tỉnh Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung, hẳn nhiên là mọi thứ “sinh ra” trên đó đều nằm trong tầm ngắm của dư luận.
Mã Pì Lèng Panorama được dựng lên từ năm ngoái, đầu năm 2019 mới đưa vào khai thác, nhưng chỉ cho tới gần đây, khi dư luận đặt vấn đề về “tính chính danh” của nó thì người ta mới rõ rằng đó là một công trình xây dựng “thiếu đủ thứ” - từ giấy phép xây dựng, văn bản thẩm định của cơ quan quản lý về di sản cho tới giấy phép chuyển đổi quyền sử dụng đất... Và, bởi “thiếu đủ thứ” nên với công trình này, điều cần xem xét là trách nhiệm quản lý của chính quyền sở tại, cơ quan quản lý di sản các cấp và chủ đầu tư.
Những người có trách nhiệm liên quan không thể không hiểu rằng ở con đường đèo Mã Pì Lèng, nhất là nơi đang có sự hiện diện của khách sạn Mã Pì Lèng Panorama, bất cứ một công trình nào được dựng lên nhằm tạo điểm nhìn toàn cảnh phục vụ du khách cũng đều phải được cấp phép, có thiết kế được cơ quan chuyên môn phê duyệt với tiêu chí hàng đầu là không phá vỡ cảnh quan, thân thiện với môi trường sinh thái, không làm ảnh hưởng tới yếu tố gốc cấu thành di sản.
Hơn nữa, khu vực đèo Mã Pì Lèng đã được công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia từ cuối năm 2009; điểm đến này còn có tên trong một dự án tương lai - “Phân khu du lịch thể thao mạo hiểm Mã Pì Lèng (thuộc hẻm Tu Sản): Phát triển du lịch thể thao mạo hiểm”, một trong 5 phân khu du lịch chính được xác định tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 2057/QĐ-TTg, ngày 21-12-2017, của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, không thể lấy lý do công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ II để bào chữa cho sự xuất hiện của Panorama.
Cũng không thể nói rằng công tác quản lý gặp khó khăn do chưa có quy hoạch chi tiết về bảo tồn khu di sản, bởi công trình xây dựng gồm 6 tầng nổi ở một nơi khách du lịch lui tới thường xuyên thì không thể là cây kim có thể “lọt mắt” các cấp ngành suốt một năm trời. Vấn đề ở đây, không nghi ngờ gì nữa, liên quan tới ý thức trách nhiệm và tầm nhìn quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị di sản. Những món lợi nhỏ có thể che mờ mục tiêu dài hạn và sự buông lỏng kỷ cương, trách nhiệm là nguyên nhân giúp cho những công trình không phép mọc lên.
Nhìn lại công tác bảo tồn trong mối liên hệ với việc khai thác giá trị của di sản, danh lam thắng cảnh nhằm phát triển du lịch, dễ thấy “sự cố” tương tự với Mã Pì Lèng từng xuất hiện ở nhiều nơi. Năm 2005, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp phép xây dựng khách sạn trong khu vực đồi Vọng Cảnh - một danh lam thắng cảnh tại địa phương, làm nảy sinh mối lo về việc xả thải ra sông Hương cũng như ảnh hưởng tới sự toàn vẹn của danh thắng. Rất may là sau đó chính quyền đã lắng nghe ý kiến phản biện và ra quyết định dừng dự án xây dựng khách sạn tại đây.
Năm 2018, tại núi Cái Hạ (Ninh Bình) nằm trong vùng lõi của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An xuất hiện nhiều cột bê tông, bậc thang lên xuống. Việc xây dựng đường lên xuống ngọn núi này cũng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, đe dọa sự toàn vẹn của di sản. Rồi vào đầu năm nay, lại có tin không vui về vịnh Hạ Long khi hàng loạt công trình xây dựng xuất hiện tại vùng lõi của di sản thiên nhiên thế giới này. Những địa danh bị xâm hại gồm có hòn Soi Cỏ, đảo Cây Chanh, đảo Bà Men, không thể nói là hành vi đơn lẻ nữa...
Trong bối cảnh nói trên, giải quyết dứt điểm câu chuyện Mã Pì Lèng Panorama không chỉ nhằm trả lại sức hấp dẫn cho một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà còn tạo bài học kinh nghiệm tốt về bảo tồn và khai thác giá trị di sản, danh lam thắng cảnh, tránh để xảy ra trường hợp tương tự trong tương lai.
2. Trong những ngày vừa qua, sau khi các cơ quan có trách nhiệm đề xuất phương án xử lý vi phạm đối với khách sạn, nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama, trong đó có việc “gọt” số tầng nổi của công trình này, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện cách nhìn nhận vấn đề khá thú vị. Ngày 12-10, có thông tin và hình ảnh cho thấy khách sạn Mã Pì Lèng Panorama đã được “thay áo mới”. Số tầng nổi đã được phủ xanh, hòa lẫn vào cảnh quan chung ở khu vực này. Những ý tứ xuất hiện trên mạng xã hội như một lời gợi ý về giải pháp “cho tồn tại” đối với công trình xây dựng chỉ mới hôm trước còn là đối tượng của sự phẫn nộ.
Cũng trong khoảng thời gian đó, mạng xã hội đưa lại thông tin về hội thảo có nội dung chính là công bố tour có tên gọi “Con đường Hạnh Phúc - đường dẫn tới trái tim của đá” - sự kiện diễn ra từ năm 2016. Nội dung tour này được giới thiệu với lời dẫn cho thấy lịch sử cung đường dẫn lên cao nguyên đá Đồng Văn: “Một con đường uốn lượn quanh co có chiều dài tới 160 cây số. Một con đường, chỉ thuần túy dựa vào sức người, xuyên qua cả một biển đá âm u, dữ dằn nhất Việt Nam để đánh thức, để vực dậy vùng cao nguyên Đồng Văn kỳ vĩ, hoang sơ. Gần 6 năm với hơn hai triệu ngày công phá đá, hàng nghìn thanh niên xung phong đã làm một cuộc trường chinh vĩ đại vào trong lòng đá, để con đường mang Hạnh Phúc về cho mênh mông sa mạc đá của bốn huyện vùng cao phía bắc Hà Giang”.
Gần như cùng thời điểm, báo chí trong nước đăng tải thông tin về những ngày mở đường qua Mã Pì Lèng - không khác gì xung trận bởi trước khi bắt đầu một ngày mới với công việc đục đá mở đường nguy hiểm bội phần, những người thợ được ví như cảm tử quân, được “truy điệu sống”... Trước những dòng chữ như có cả máu và nước mắt của những người mở đường cách nay hơn nửa thế kỷ, người đọc nào có thể dửng dưng với trách nhiệm bảo vệ vẻ đẹp nguyên bản của Mã Pì Lèng, làm sao chấp nhận phương án “phạt cho tồn tại” đối với Mã Pì Lèng Panorama dù đó chỉ là điều thoáng trong ý nghĩ!
Có người thương bà chủ khách sạn Panorama, muốn công trình được giữ lại bởi dù sao thì đó cũng là điểm nghỉ chân mà nhiều du khách muốn có. Cứ giữ lại, chỉ cần “xanh hóa” công trình bê tông là đỡ “nhức mắt người”... Nhưng, như thế thì ai thương cho tinh thần thượng tôn pháp luật, ai lo cho những điểm đến ấn tượng khác ở Hà Giang, những điểm đến kỳ vĩ như đèo Cổng Trời, đèo Cán Tỷ, đèo Bắc Sum, cột cờ Lũng Cú và ngay cả những khu vực khác thuộc Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn rồi đây cũng có thể bị xâm hại, trở nên nham nhở bởi những nhà hàng, khách sạn mọc lên theo gương Mã Pì Lèng Panorama?
Câu chuyện Mã Pì Lèng không chỉ có ý nghĩa với người yêu thích du lịch có trách nhiệm, với Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và sinh kế lâu bền liên quan tới phát triển du lịch của người dân sở tại. Đó còn là câu chuyện về bảo tồn và phát triển, về trách nhiệm và tầm nhìn của cán bộ được giao trọng trách quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình di sản, danh lam thắng cảnh quốc gia. Bài học Mã Pì Lèng có thể dẫn đến một kết thúc có hậu nhờ phương án xử lý vấn đề phù hợp quy định của pháp luật, qua đó đánh thức trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền và người dân, không để “sự cố” Mã Pì Lèng, Vọng Cảnh, hòn Soi Cỏ... lặp lại ở bất cứ nơi nào nữa.