Mùi “khét” nước sạch sông Đà là do chất Styren có từ dầu thải gây ra
Đời sống - Ngày đăng : 09:13, 16/10/2019
Cụ thể, ngay sau khi có phản ánh của người dân về phát hiện mùi lạ trong nước sinh hoạt, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lấy mẫu nước xét nghiệm; đồng thời kiểm tra tại đơn vị sản xuất, cung ứng nước. Các đơn vị chức năng thành phố cũng bố trí phương án cấp nước tạm thời cho một số khu vực. Kết quả bước đầu xác định: Khu vực đầu nguồn cấp nước cho Nhà máy Nước sạch sông Đà (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) có dầu nhớt thải đổ trộm, chảy lan ra suối, rồi vào hồ Đầm Bài (hồ chứa nước của nhà máy).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (thuộc Sở Y tế Hà Nội) nhanh chóng tiến hành xét nghiệm 8 mẫu nước lấy tại các vị trí khác nhau, gồm cả khu dân cư và nhà máy. Kết quả giám định xác định mùi “khét” là do chất Styren có từ dầu thải gây ra. Cụ thể, các mẫu đều có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần (theo QCVN 01:2009/BYT là 20mg/l). Các chỉ tiêu giám sát nước xét nghiệm hằng tháng: 14/15 chỉ tiêu đạt quy chuẩn, riêng chỉ tiêu mùi vị không đạt.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu: Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) tổ chức khắc phục ngay các chất dầu thải tại khu vực đầu nguồn cũng như vùng dầu hiện còn trên hồ Đầm Bài; súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà từ nhà máy, bể chứa, các tuyến đường ống truyền dẫn, phân phối, các bể chứa khu chung cư,... tại các địa bàn sử dụng nước do công ty cung cấp. Xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho Nhà máy Nước mặt sông Đà...
UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Y tế, chính quyền địa phương giám sát chặt việc khắc phục hậu quả của các đơn vị: Viwasupco, các công ty cung cấp nước đến các hộ dân (Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông); xây dựng phương án vận hành điều tiết nước từ các nguồn tập trung của thành phố như nguồn nước mặt sông Đuống, Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì… bảo đảm cấp nước an toàn; tập hợp hồ sơ, báo cáo của các công ty trên, với vai trò là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Nước mặt sông Đà, nhà cung cấp dịch vụ, đã không kịp thời thông tin, cảnh báo, khắc phục sự việc để dầu vào nguồn nước, chuyển các cơ quan chức năng đề nghị xử lý theo quy định pháp luật.
UBND thành phố Hà Nội khuyến cáo trong thời gian Viwasupco chưa súc xả, thau rửa toàn bộ hệ thống nước, người dân sử dụng nước sạch sông Đà chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội bố trí các xe stec, túc trực sẵn sàng chở nước cung cấp cho người dân theo nhu cầu. Người dân có thể liên hệ đến số điện thoại 0903461980.
Liên quan đến hành vi đổ trộm chất dầu thải, hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Viwasupco, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức điều tra làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
* Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện có 5 công ty cấp nước sử dụng nguồn nước sạch sông Đà do Viwasupco sản xuất. Cụ thể, Công ty cổ phần Viwaco quản lý, cấp nước cho hơn 147.000 khách hàng tại khu vực các quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy. Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông quản lý, cấp nước cho hơn 150.000 khách hàng tại khu vực quận Hà Đông, một phần quận Nam Từ Liêm, một số xã của các huyện: Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa... Các công ty: Ngọc Hải, TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, Cổ phần Tây Hà Nội quản lý, cấp nước cho hơn 80.000 khách hàng khu vực dọc Đại lộ Thăng Long thuộc các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức.
Theo ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, ngoài nguồn nước sạch sông Đà (lưu lượng cấp khoảng 250.000-260.000m3/ngày-đêm), Hà Nội còn có nguồn cấp từ các nhà máy nước do Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội quản lý (công suất khoảng 670.200m3/ngày-đêm), Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông quản lý (công suất khoảng 70.000m3/ngày-đêm), Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây quản lý (công suất khoảng 27.000m3/ngày-đêm), Nhà máy Nước mặt sông Đuống (công suất 300.000m3/ngày-đêm), Nhà máy Nước Ba Vì (15.000m3/ngày-đêm)... Nước sạch từ các nguồn cấp này bảo đảm tiêu chuẩn nước ăn uống theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Do đó, ở những khu vực sử dụng nguồn nước của những đơn vị trên, người dân hoàn toàn yên tâm, không phải lo lắng.
Cũng theo ông Lê Văn Du, Sở Xây dựng đã có phương án vận hành điều tiết nguồn nước từ các nguồn tập trung của thành phố, như Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì, Nhà máy Nước sạch sông Đuống... cấp cho các khu vực sử dụng nước sạch sông Đà. Trước mắt, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội hỗ trợ cấp nước hoàn toàn miễn phí bằng xe stec để kịp thời cấp nước sạch cho người dân khu vực bị ảnh hưởng.
* Để làm rõ nguy cơ ảnh hưởng của chất styren đến sức khỏe người dân, cuối giờ chiều 15-10, phóng viên Báo Hànộimới đã gặp PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Ông Nguyễn Nhật Cảm khẳng định, mọi đánh giá, kết luận cần phải dựa trên bằng chứng nghiên cứu khoa học. Do đó, chưa thể khẳng định nguồn nước có Styren gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Việc một số hộ dân ở Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) phản ánh bị tiêu chảy, viêm da… trong những ngày gần đây có thể do thời tiết đang chuyển mùa, chưa thể khẳng định do nguồn nước. Khi thời tiết chuyển từ mùa thu sang mùa đông, nhiệt độ môi trường giảm nhanh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, độ ẩm không khí giảm… tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, như: Cảm, cúm, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, viêm da tiếp xúc…
Styren là chất lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị hơi ngọt nhưng khi đậm đặc có mùi khó chịu. Styren nhanh chóng bị phá vỡ trong 1-2 ngày ở điều kiện thường trong nước, không khí và đất. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (US EPA) xác định, nếu ăn (hoặc uống nước) có nồng độ Styren 20mg/l trong 1 ngày hoặc 2mg/l trong 10 ngày không gây nên bất kỳ ảnh hưởng có hại nào cho trẻ. Nếu phơi nhiễm với Styren với hàm lượng 0.1mg/l (100μg/l) trong nước uống trong thời gian suốt đời không gây nên bất kỳ ảnh hưởng có hại nào.
Ngày 15-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân. UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn. Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-10-2019.
* Về vấn đề nguồn nước sông Đà ô nhiễm, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ ngày 15-10, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã lập đoàn kiểm tra và xác định nguyên nhân ở đầu nguồn nước có một số người dân đổ trộm dầu phế thải xuống con suối, từ đó chảy ra hồ chứa. Nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến hệ thống nước sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi “đặc biệt”.
“Quan điểm của thành phố là sẽ kiến nghị xử lý nghiêm vấn đề này. Thành phố có công văn gửi tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình điều tra làm rõ trách nhiệm của công ty cấp nước. Bên cạnh đó, thành phố đã làm việc với công ty cấp nước và yêu cầu toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước phải được súc xả”, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.