Đề xuất không ghi xếp loại và loại hình đào tạo trên văn bằng đại học: Còn đó những băn khoăn
Giáo dục - Ngày đăng : 08:18, 17/10/2019
Thực hiện theo luật và phù hợp với xu thế
Theo dự thảo “Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố để lấy ý kiến có 10 nội dung chính được thể hiện trên văn bằng giáo dục đại học, như: Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của người được cấp văn bằng; ngành đào tạo; tên cơ sở cấp văn bằng; họ, tên, chức vụ, chữ ký của người cấp văn bằng; nơi cấp văn bằng... Điểm mới đáng chú ý là đề xuất việc trên văn bằng giáo dục đại học không ghi hình thức xếp loại tốt nghiệp (giỏi, khá...); không thể hiện loại hình đào tạo (chính quy, tại chức...) như hiện nay.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc xây dựng các nội dung của dự thảo dựa trên quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019. Quy định về các nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học như dự thảo là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, bảo đảm sự hội nhập của giáo dục Việt Nam thời gian tới.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, chủ trương này phù hợp với xu thế của thế giới về việc không phân biệt hình thức đào tạo và xếp loại trên văn bằng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có ý kiến tương tự và cho rằng, văn bằng là chứng nhận về việc đạt được một trình độ cụ thể như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, các nội dung chính trên văn bằng cần tuân theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Tuy nhiên, ở góc độ người học, em Trần Hoài Nam, sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân tỏ ra băn khoăn: "Nếu một sinh viên có kết quả học tập tốt, nhưng khi tốt nghiệp đại học lại được cấp văn bằng giống một bạn chỉ học trung bình thì không công bằng. Chúng em mong muốn những nỗ lực của mình được thể hiện trên văn bằng, để khi đi xin việc có thể khẳng định được ưu thế, tránh thiệt thòi".
Hướng đến việc học thật, đánh giá thật
Thực tế cho thấy, nút thắt của những băn khoăn, cấn cá hiện nay là từ thực trạng đánh giá, xếp loại chất lượng học tập của sinh viên ở một số nơi, một số loại hình đào tạo còn mang tính hình thức, chưa đúng năng lực thực chất của người học. Việc này dẫn đến tình trạng không ít sinh viên khi ra trường và đi làm không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết của đơn vị tuyển dụng.
Từng là giảng viên đại học, nay lại đảm nhận công việc của một nhà tuyển dụng, ông Đàm Quốc Hiệp, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Danko cho rằng: Điều quan trọng nhất đối với nhà tuyển dụng là thái độ làm việc và năng lực thực sự của ứng viên. Để dư luận xã hội bớt băn khoăn, lo lắng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chế tài sàng lọc sinh viên trong quá trình đào tạo và siết chặt “đầu ra” đối với các loại hình đào tạo. Về phía người học, phải coi trọng việc rèn luyện thái độ, kiến thức và kỹ năng một cách thực chất.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, hiện cách thức tổ chức đào tạo giữa các loại hình và giữa các nhà trường còn có sự khác nhau. Để giảm sự chênh lệch này cần một khoảng thời gian dài và đòi hỏi sự nỗ lực từ chính nhà trường trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Do vậy, việc xếp loại tốt nghiệp vẫn là cần thiết để tạo động lực cho sinh viên.
Còn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đề xuất: Ngoài bằng tốt nghiệp, các nhà trường có thể cấp cho sinh viên bảng điểm. Bảng điểm này thể hiện kết quả học tập cụ thể của từng môn và có xếp loại tốt nghiệp. Điều này vừa tạo động lực cho sinh viên, vừa tạo thuận lợi cho đơn vị tuyển dụng khi muốn tìm hiểu kỹ hơn về ứng viên.
Để giải đáp phần nào những băn khoăn trên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định rõ, khi tốt nghiệp người học sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng. Dự thảo “Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện dự thảo “Thông tư ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân”, trong đó có quy định về phụ lục văn bằng.
"Dự kiến, phụ lục văn bằng sẽ có các thông tin về người được cấp bằng, quá trình đào tạo, thời gian đào tạo, loại hình đào tạo, tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có), kết quả học tập, xếp loại tốt nghiệp... Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp liên quan đến văn bằng để hoàn thiện cho phù hợp với thực tế và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong giai đoạn tiếp theo", ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.