Cựu thanh niên xung phong giàu lòng nhân ái
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:07, 18/10/2019
Mệnh lệnh từ trái tim…
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê cách mạng xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), năm 1965, ở tuổi 18, cô nữ sinh Nguyễn Thị Hợi vừa học xong cấp II (phổ thông cơ sở) cũng là lúc giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Nghe theo tiếng gọi của đất nước, Nguyễn Thị Hợi không thi vào cấp III hay các trường trung cấp như bạn bè cùng trang lứa mà viết đơn tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong.
Trong 5 năm phục vụ chiến đấu nơi “túi bom, chảo lửa” của chiến trường miền Trung, nhiều lần bị thương, thậm chí có những lúc tưởng đã cận kề cái chết, nhưng với tinh thần “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hợi đã vượt lên mọi gian khó và được kết nạp Đảng khi vừa bước sang tuổi 19. Bà cũng được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Chiến sĩ thi đua”...
Năm 1969, bà Hợi được điều ra miền Bắc học lớp Quân y, học văn hóa và về công tác tại Bệnh xá Trung đoàn 62, Trung đoàn 63 và Chính trị viên Bệnh xá Sư đoàn 386, Binh đoàn 11 (Tổng cục Hậu cần). Năm 1982, bà chuyển ngành và đến năm 1991 nghỉ hưu tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm trước đây (từ cuối năm 2013, xã Đông Ngạc được tách ra thành phường Đông Ngạc và phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm).
Những tưởng sau nhiều năm cống hiến, được về nghỉ ngơi, nhưng ngược lại, bà Hợi vẫn hăng hái tham gia vào công việc xã hội và làm từ thiện. Từ năm 1992 đến năm 2010, bà liên tục tham gia cấp ủy, Phó Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND khóa đầu tiên tại khu vực Bắc - Nam Nông Lâm, xã Đông Ngạc. Lúc đó, thấy con đường Nông Lâm (nay là đường Lê Văn Hiến) lầy lội, bà Hợi bàn với các đại biểu HĐND trong tổ và lập kế hoạch phối hợp với cấp ủy, tổ trưởng tổ dân phố đề xuất với lãnh đạo xã cải tạo lại, khang trang hơn với chiều rộng mặt đường lên tới 6m, chiều dài trên 1km.
Nhiệm kỳ 2014-2019, bà Hợi tiếp tục được Đại hội Hội Cựu thanh niên xung phong phường Đức Thắng bầu giữ chức danh Chủ tịch Hội. Nay đã ngoài 70 tuổi và là thương binh nên sức khỏe có hạn, nhưng bà luôn khắc phục mọi khó khăn, chủ động xây dựng các chương trình hoạt động của từng tháng, từng quý sát với thực tế và đặc điểm của các chi hội. Nhờ đó, Hội Cựu thanh niên xung phong phường Đức Thắng luôn là đơn vị dẫn đầu của quận Bắc Từ Liêm. “54 năm làm việc chưa ngơi nghỉ nhưng tôi vẫn thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội”, bà Nguyễn Thị Hợi chia sẻ.
… và một tấm lòng thiện nguyện
Ngoài hoạt động xã hội, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hợi còn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện. Dù chưa từng nhận những việc mình làm là từ thiện mà chỉ là “hỗ trợ chút ít cho người nghèo trong lúc khó khăn” như lời bà nói, nhưng bằng tấm lòng nhân ái mà hơn 10 năm qua, bà Hợi đã giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh của phường và nhiều địa phương khác. Vì vậy, hình ảnh bà Hợi cùng đồng đội đến từng khu dân cư, vào từng nhà thăm hỏi, động viên các hộ có hoàn cảnh khó khăn đã trở nên rất đỗi thân thuộc với người dân phường Đức Thắng và các địa phương lân cận.
Được biết, 10 năm qua, bà Hợi đã ủng hộ trên 50 triệu đồng để cùng với Ban Chấp hành Hội Cựu thanh niên xung phong phường Đức Thắng đến từng gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau lâu ngày thăm hỏi, tặng quà, động viên. Bà còn cho hội viên nghèo vay gần 80 triệu đồng không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay, Hội Cựu thanh niên xung phong phường Đức Thắng không còn hội viên nghèo.
Vừa qua, khi biết tin bà Phạm Thị Hằng, hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong phường Đức Thắng bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bà Hợi đã vận động, quyên góp được gần 6 triệu đồng, trong đó cá nhân bà ủng hộ 1 triệu đồng và tổ chức cho hội viên đến nhà thăm hỏi, động viên. Bà Phạm Thị Hằng xúc động nói: “Tình cảm của đồng đội là động lực quý để tôi cố gắng chiến đấu với bệnh tật”.
Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố, 5 năm qua, bà Hợi đã ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” 10 triệu đồng; ủng hộ các loại quỹ của địa phương hơn 30 triệu đồng; ủng hộ đồng bào các tỉnh bị thiên tai trên 80 triệu đồng. Năm 2010, bà ủng hộ hơn 75 triệu đồng hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai và xây nhà mới cho một hộ dân xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) có nhà bị sập do mưa bão. Từ năm 2014 đến nay, bà Nguyễn Thị Hợi còn ủng hộ hơn 10 triệu đồng và cùng đội thiện nguyện của phường Đức Thắng tổ chức nấu cháo tình thương giúp bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện E vào sáng thứ tư hằng tuần.
Chia sẻ về mục đích của những việc làm đậm tính nhân văn của mình, bà Nguyễn Thị Hợi cho biết: “Tôi sinh ra trong nghèo khó, từng suýt bỏ mạng nơi chiến trường nên rất thông cảm với số phận của những người nghèo, người kém may mắn. Sự đồng cảm đó luôn thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Mỗi khi giúp đỡ được một địa chỉ khó khăn là cả gia đình tôi đều vui và thấy mình sống có ý nghĩa”.
Khi nói về Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong của phường, Bí thư Đảng ủy phường Đức Thắng Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định: “Bà Nguyễn Thị Hợi là người rất nhiệt tình, tâm huyết không chỉ với công việc xã hội mà cả trong hoạt động thiện nguyện. Làm việc bằng cả tấm lòng nhưng không ham thành tích nên mỗi khi bà vận động quyên góp ủng hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng đội bị bệnh hiểm nghèo, nhiều người sẵn lòng ủng hộ. Việc làm của bà Hợi đã góp phần tích cực để hoạt động thiện nguyện của phường ngày càng phát triển, giúp nhiều gia đình kém may mắn thêm động lực vươn lên”.
Với những đóng góp trong công tác thiện nguyện và hoạt động xã hội, bà Nguyễn Thị Hợi được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” các năm 2016 và 2018. Ngoài ra, bà còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Chữ thập đỏ thành phố và quận Bắc Từ Liêm.