Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV: Dành hơn 60% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật
Chính trị - Ngày đăng : 15:37, 18/10/2019
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng 21-10 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, bế mạc vào ngày 27-11.
“Theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp cuối năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật với 17 ngày, chiếm tỷ lệ hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác - 11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu.
Tại kỳ họp tới, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 12 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.
Về hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020…
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.
Quốc hội sẽ dành thời gian 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Theo thông lệ tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục để miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin thêm về nội dung nhân sự này, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tuổi nghỉ hưu về mặt hành chính và được chuyển sang làm công tác khác là Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương. Đây là vị trí quan trọng, liên quan đến công tác bảo vệ sức khỏe cho cán bộ.
Trước đó, ngày 14-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ nhận quyết định của Bộ Chính trị phân công kiêm nhiệm chức vụ Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội sẽ sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong các hoạt động. Các đại biểu cài đặt phần mềm vào Ipad, điện thoại di động để có thể tiếp cận tài liệu ở bất cứ đâu; dễ dàng tương tác giữa các đại biểu với nhau hoặc cung cấp, trao đổi thông tin với báo chí… Phần mềm này đã được rút kinh nghiệm, nâng cấp sau kỳ họp thứ bảy, bảo đảm việc sử dụng thuận tiện với nhiều tính năng thông dụng.