Cần đổi mới quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 07:33, 19/10/2019
Theo đánh giá của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, trước đây, khi người dân muốn cấp phiếu lý lịch tư pháp (là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản) phải trực tiếp đến Sở Tư pháp nộp hồ sơ, sau đó chờ khoảng 20 ngày (không kể thứ bảy, chủ nhật), mới có kết quả. Kể từ khi thực hiện Quyết định số 19/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân không còn tốn kém nhiều thời gian, công sức như trước.
Song, có điều đáng lưu ý, dù đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến thuận tiện hơn so với đến trực tiếp, nhưng hơn 3 năm triển khai Quyết định số 19/QĐ-TTg, chỉ có 4.771 trường hợp gửi hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và nhận phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp hoặc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, chiếm 7,99% tổng số các phương thức cấp phiếu. Ngay tại Hà Nội - nơi có trình độ dân trí cao nhưng người dân cũng chưa mặn mà với dịch vụ này.
Một trong những nguyên nhân nổi lên là với những trường hợp như người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thay đổi thông tin nhân thân, cư trú ở nhiều địa phương hay từng bị kết án, ít được trả kết quả đúng hẹn. Gần đây, ngày 23-4-2019, Sở Tư pháp Hà Nội tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp của bà Hoàng Thị Thảo (ở Quốc Oai), ngày hẹn trả kết quả là 17-5-2019. Tuy nhiên, kết quả không trả được đúng hẹn, khiến công dân không hài lòng.
Theo tìm hiểu, trường hợp này, công dân có án tích chưa được xóa án tích theo quy định, nhưng dữ liệu lưu trữ tại Sở Tư pháp không có. Dù đã tích cực đôn đốc các cơ quan liên quan cung cấp thông tin làm cơ sở giải quyết, tuy nhiên, từ Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đến Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quốc Oai… đều gửi kết quả xác minh, tài liệu liên quan không bảo đảm thời hạn, khiến Sở Tư pháp phải ban hành văn bản xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả cho bà Thảo.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Tống Thị Thanh Nam, không riêng trường hợp này, có những trường hợp, Sở Tư pháp Hà Nội gửi công văn đề nghị xác minh 2-3 lần mới nhận được ý kiến trả lời, có đơn vị còn không trả lời. Tình trạng này gây áp lực rất lớn về mặt thời gian cho Sở trong công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Ở góc nhìn khác, ông Ngọ Nguyên Huy (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, ông chọn nộp hồ sơ trực tiếp cho con tại Sở Tư pháp bởi sợ thao tác trên mạng không thành thạo dẫn đến sai sót. Chưa kể, nếu nộp trực tuyến được rồi thì người dân vẫn phải đến đối chiếu hồ sơ...
Thực tế cho thấy, để thu hút người dân nộp hồ sơ trực tuyến, Bộ Tư pháp cần tiếp tục đổi mới quy trình thủ tục, từ cách trả kết quả đến phản hồi với các trường hợp cần bổ sung giấy tờ sao cho nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có chế tài với đơn vị cung cấp thông tin chậm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác thì mới có thể hỗ trợ Sở Tư pháp của 63 tỉnh, thành phố chủ động thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp, trả kết quả đúng hạn.