Về việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp bậc tiểu học

Giáo dục - Ngày đăng : 08:15, 05/03/2005

Theo Công văn số 825/GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ năm học 2004 - 2005 này cả nước sẽ bỏ kỳ thi tốt nghiệp bậc tiểu học (TNTH). Kết quả học tập cuối năm của học sinh lớp 5 sẽ là điều kiện để xác nhận đã học hết chương trình tiểu học. Vậy, bỏ kỳ thi TNTH có nằm trong chương trình cải cách giáo dục ? Việc đánh giá chất lượng học sinh có thực chất hơn ?

Một giờ lên lớp tại trường tiểu học dân lập Nguyễn Hiền

Theo Công văn số 825/GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ năm học 2004 - 2005 này cả nước sẽ bỏ kỳ thi tốt nghiệp bậc tiểu học (TNTH). Kết quả học tập cuối năm của học sinh lớp 5 sẽ là điều kiện để xác nhận đã học hết chương trình tiểu học. Vậy, bỏ kỳ thi TNTH có nằm trong chương trình cải cách giáo dục ? Việc đánh giá chất lượng học sinh có thực chất hơn ? Chúng tôi đã ghi lại ý kiến của một số hiệu trưởng các trường tiểu học ở Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Vỵ - Hiệu trưởng trường tiểu học Nghĩa Tân: “Bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học là không hợp lý...”

Năm nào ngành Giáo dục cũng tổ chức nhiều cuộc thi học sinh giỏi, thi viết chữ đẹp, thi văn nghệ - thể thao... từ cấp địa phương đến trung ương. Hầu như tất cả các môn học trong nhà trường, kể cả những môn “phụ”, đều có những kỳ thi nhằm đánh giá chất lượng đào tạo. Vì vậy, thật vô lý khi học sinh trải qua một chương trình học 5 năm mà không có một cuộc thi để kiểm tra, đánh giá. Tôi còn nhớ những năm về trước, kỳ thi bậc tiểu học có tới 4 môn, tổ chức thi trong hai ngày. Hai năm gần đây, việc thi cử đã được cải tiến rõ rệt: Sở GD-ĐT Hà Nội ra đề thi chung, 2 môn thi được tổ chức trong một buổi, hình thức thi nhẹ nhàng nhưng kiểm tra được chính xác chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh trong toàn thành phố. Nếu bỏ kỳ thi TNTH và giao việc đánh giá chất lượng học sinh cho các trường trong điều kiện trình độ thầy và trò ở mỗi địa phương, nhà trường đều khác nhau, Bộ GD-ĐT sẽ lấy gì làm “chuẩn” để đánh giá chất lượng đào tạo ? Thông thường, trước kỳ thi tốt nghiệp, học sinh có khoảng 3 tuần để ôn tập, hệ thống lại toàn bộ kiến thức của cả một bậc học. Vì vậy, mỗi lần thi là một lần trẻ được tậpdượt, làm quen với các hình thức thi cử; thầy, cô giáo ý thức hơn trong việc đào tạo, phụ huynh cũng quan tâm hơn đến việc học tập của con em mình. Vì vậy, theo tôi, việc bỏ kỳ thi TNTH là không hợp lý.

Ông Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng trường tiểu học dân lập Nguyễn Hiền: “Bỏ thi tốt nghiệp tiểu học là đúng nhưng cần duy trì hình thức kiểm tra...”.

Thực chất hai năm nay Hà Nội không tổ chức kỳ thi TNTH mà ghép kỳ thi này vào kỳ kiểm tra định kỳ cuối năm. Đối chiếu với việc thi cử mấy năm nay, tôi thấy hình thức thi tốt nghiệp và kiểm tra cuối kỳ đều cho kết quả như nhau, lại giảm được sự cồng kềnh, tốn kém. Trước đây, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, Bộ, các sở, phòng Giáo dục và nhà trường đều phải vào cuộc, vừa tốn kém, vừa gây áp lực không cần thiết cho phụ huynh và học sinh. Sau khi chuyển sang hình thức kiểm tra, đề bài của Sở được in và gửi về từng trường, các trường tự tổ chức kiểm tra và chấm bài, do đó việc đánh giá cũng thực chất hơn vì dựa trên cả quá trình chứ không phải chỉ thông qua một kỳ thi với hai môn học (Toán và Tiếng Việt). Tuy nhiên, để đánh giá đúng việc dạy và học của nhà trường và chất lượng đào tạo bậc tiểu học nói chung, vẫn nên duy trì hình thức kiểm tra định kỳ cuối năm do Sở GD-ĐT trực tiếp ra đề.

Bà Trần Thị Thành - Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Du: Quan trọng là phải “dạy thật và học thật”...

Những năm qua chúng ta đã hoàn thành phổ cập bậc tiểu học trên cả nước. 100% học sinh tiểu học đều được quyền học lên bậc học tiếp theo, vì vậy việc tồn tại kỳ thi TNTH là không cần thiết. Hiện nay, theo quy định, học sinh lớp 5 trải qua 4 kỳ kiểm tra định kỳ/năm, nếu được tổ chức nghiêm túc, các kỳ kiểm tra này sẽ đánh giá chính xác khả năng học tập của các em. Trong những kỳ thi trước, để bảo đảm tính công bằng, chúng tôi đã đưa toàn bộ giáo viên dạy khối lớp 5 ra khỏi hệ thống coi thi và chấm thi. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho kỳ thi, dù ít dù nhiều giáo viên cũng tập trung vào hai môn Toán và Tiếng Việt khiến việc học tập của học sinh bị ảnh hưởng. Khi bỏ thi giáo viên sẽ có nhiều thời gian cho tất cả các môn, giúp các em phát triểntoàn diện. Nếu các trường bảo đảm việc “dạy thật” và “học thật” thì có hay không có kỳ thi TNTH đều không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thiết nghĩ, chương trình cải cách giáo dục đang được dư luận xã hội quan tâm. Do vậy việc giữ hoặc bỏ kỳ thi TNTH, ngành Giáo dục cần phải cân nhắc thấu đáo, bảo đảm chương trình cải cách thực sự hiệu quả.

HNM

ANHTHU