Mô hình bác sĩ gia đình: Cách nào phát triển hiệu quả?
Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 20/10/2019
Bác sĩ gia đình vẫn xa… gia đình
Mô hình bác sĩ gia đình được áp dụng thành công không chỉ ở các nước phát triển như: Mỹ, Anh, Pháp, Canada..., mà ở cả các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines. Từ năm 1972, Hiệp hội Bác sĩ gia đình toàn cầu được thành lập và hiện có khoảng 100 quốc gia thành viên. Tại Việt Nam, năm 2000, Bộ Y tế mới chính thức công nhận chuyên ngành y học gia đình. Đến năm 2002, các trường đại học y khoa mới bắt đầu tuyển sinh, đào tạo bác sĩ gia đình.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, giảng viên Bộ môn Y học gia đình (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, là quốc gia chịu gánh nặng rất lớn trước sự thay đổi của mô hình bệnh tật từ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sang bệnh mạn tính không lây (chiếm khoảng 70%), vì vậy, ngành Y tế luôn phải căng mình đối phó với tình trạng quá tải bệnh viện.
Để giải quyết vấn đề này, ngành Y tế đã xây dựng dự án phát triển, đào tạo bác sĩ gia đình. Đào tạo bác sĩ gia đình là đào tạo sau đại học, điều kiện tuyển sinh đầu vào là bác sĩ đa khoa tổng quát có chứng chỉ hành nghề.
Hiện tại, cả nước có 8 trường đại học có bộ môn y học gia đình và một số trường đã có trung tâm y học gia đình. Hoạt động theo mô hình bác sĩ gia đình bước đầu đã được tổ chức tại một số tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế…, với các mô hình khác nhau: Trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình…
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê, việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình đang đối mặt với không ít khó khăn. Cụ thể, nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Hiện tại, cả nước có hàng nghìn bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình, song có đến hơn 50% bác sĩ gia đình chưa thực hiện khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình (tức là, ngoài việc được bác sĩ khám, chữa bệnh, người dân còn được hướng dẫn cách phòng bệnh và được quản lý hồ sơ khám sức khỏe, được theo dõi sức khỏe liên tục trong suốt cuộc đời).
Hơn nữa, một số nơi triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, nhưng bác sĩ lại chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành y học gia đình. Thậm chí, với các chức danh khác như: Điều dưỡng, kỹ thuật viên làm việc tại các phòng khám bác sĩ gia đình chủ yếu là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo về chuyên ngành y học gia đình...
Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 100 trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám triển khai theo mô hình bác sĩ gia đình. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, với những bệnh nhân mắc đái tháo đường hay cao huyết áp, nếu được quản lý tốt tại các phòng khám hay trạm y tế có hoạt động theo mô hình bác sĩ gia đình sẽ được theo dõi bệnh liên tục, hướng dẫn các chế độ sinh hoạt hợp lý, phòng tránh xảy ra biến chứng.
Thế nhưng, các mô hình bác sĩ gia đình được triển khai thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Có những trung tâm với hơn 70 cán bộ nhưng chỉ có khoảng 5-6 bác sĩ thực sự đáp ứng được nhiệm vụ bác sĩ gia đình.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, do chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, bác sĩ gia đình, nhất là những người làm việc tại các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình còn thấp, nên khó giữ chân và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Thậm chí, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về đội ngũ bác sĩ gia đình. Do đó, không ít người dân chưa mặn mà với mô hình này, nên chưa tham gia đăng ký quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe định kỳ, mà chỉ tìm đến bác sĩ khi có bệnh.
Tạo điều kiện để bác sĩ giỏi thành bác sĩ gia đình
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21-8-2019 (thay thế cho Thông tư số 16/2014/TT-BYT ngày 22-5-2014) về việc hướng dẫn thí điểm hoạt động y học gia đình. Có hiệu lực từ ngày 15-10-2019, Thông tư số 21/2019/TT-BYT hướng dẫn cụ thể văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình.
Trong đó nêu rõ, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, sau khi đáp ứng một trong các điều kiện: Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình; có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 3 tháng...
PGS.TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, giảng viên Bộ môn Y học gia đình (Trường Đại học Y Hà Nội) cho rằng, Thông tư số 21/2019/TT-BYT sẽ khuyến khích các cán bộ, nhân viên y tế có điều kiện hành nghề tham gia vào mạng lưới bác sĩ gia đình, để bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng. Mặt khác, đây là những quy định điều kiện hành nghề bắt buộc, đòi hỏi các bác sĩ khi tham gia vào mô hình bác sĩ gia đình phải được cập nhật, đào tạo kiến thức, kỹ năng cũng như đổi mới phong cách phục vụ người bệnh. Ngoài ra, để thu hút các bác sĩ giỏi làm bác sĩ gia đình, cần phải có chính sách đãi ngộ hợp lý.
Trên cơ sở quy định của Bộ Y tế, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế Thủ đô sẽ tăng cường đào tạo, hướng dẫn, giám sát và kiểm tra việc thực hiện quy định chuyên môn đối với các bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế hoạt động theo mô hình bác sĩ gia đình. Thành phố cũng sẽ tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, kết nối hỗ trợ của các bác sĩ bệnh viện tuyến trên... đối với hệ thống y tế cơ sở hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích mà mô hình bác sĩ gia đình mang lại, đó là chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục, có tính cộng đồng cao.
“Qua kiểm tra, giám sát, nếu đơn vị hay cá nhân nào cố tình vi phạm quy định chuyên môn, hoạt động khi chưa đáp ứng đầy đủ quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề”, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền cho biết thêm.