Bước đi khôn khéo của Thổ Nhĩ Kỳ
Thế giới - Ngày đăng : 07:25, 20/10/2019
Động thái này diễn ra ngay sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo tới Thổ Nhĩ Kỳ để thuyết phục Ankara ngừng tấn công người Kurd ở miền Bắc Syria. Đổi lại, Mỹ chấp nhận nhượng bộ, tạm ngừng áp đặt trừng phạt bổ sung với Ankara trong 5 ngày ngừng bắn.
Ngoài ra, Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với một số quan chức trong chính quyền Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn hoàn toàn và lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đã rút lui. Sở dĩ Mỹ chịu nhượng bộ bởi xưa nay lực lượng người Kurd là đồng minh hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Có thể thấy, việc Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn là bước đi khôn khéo, đem lại lợi ích to lớn cho nước này. Thực hiện lệnh ngừng bắn, Ankara vừa dỡ bỏ được các biện pháp trừng phạt, vừa thiết lập được vùng an toàn ở biên giới phía Nam.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, nước này sẽ chỉ dừng hoàn toàn chiến dịch quân sự khi lực lượng người Kurd rút quân một cách triệt để. Đối với Ankara, lực lượng người Kurd là “kẻ thù không đội trời chung” và là mối đe dọa an ninh quốc gia bởi vùng đất do người Kurd kiểm soát có thể là nơi trú ẩn hoặc làm bàn đạp cho các mưu đồ tấn công vào lãnh thổ nước này.
Trước sức ép bị tấn công, lực lượng người Kurd dường như không có sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc chấp thuận lệnh ngừng bắn, bởi quân đội Mỹ đang dần rút khỏi khu vực trong hai tuần qua khiến người Kurd "hụt hơi hoàn toàn" khi phải chống đỡ với quân đội chính quy, thiện chiến của Thổ Nhĩ Kỳ. Chấp nhận rút quân, hàng chục nghìn người Kurd sẽ bị mất nhà cửa nhưng đó là cách duy nhất để họ tránh được tổn thất nặng nề.
Giới quan sát cho rằng, dường như Thổ Nhĩ Kỳ là bên giành được điều họ muốn nhờ vào thỏa thuận này, trong khi Mỹ phải nhượng bộ ở Syria. Việc rút quân đội khỏi miền Bắc Syria cho phép Tổng thống Donald Trump duy trì lời hứa về việc đưa binh lính Mỹ ở nước ngoài trở về.
Tuy nhiên, nó cũng khiến ông chủ Nhà Trắng hứng chịu nhiều chỉ trích về việc bỏ rơi đồng minh lúc khó khăn, đồng thời tạo điều kiện để Nga và Iran gia tăng sức ảnh hưởng trong khu vực. Không ít ý kiến cho rằng, việc quân đội Mỹ rút đi sẽ là “cơ hội vàng” để quân đội Chính phủ Syria quay trở lại biên giới phía Bắc, mở ra cơ hội bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Một số quan chức và cựu quan chức Mỹ ngay lập tức chỉ trích thỏa thuận này bởi điều đó đã trao cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan một chiến thắng quan trọng khi cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng biên giới vào trong lãnh thổ do người Kurd kiểm soát. Điều này chẳng khác nào Mỹ đồng ý với Thổ Nhĩ Kỳ để họ sáp nhập một phần lãnh thổ Syria.
Dù có nhiều ý kiến trái chiều, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tự hào coi đây là “ngày vĩ đại cho nền văn minh”. Ông viết trên Twitter cá nhân: “Tôi tự hào vì nước Mỹ đã cùng tôi đi theo con đường cần thiết cho dù không phải là con đường truyền thống. Mọi người đã tìm cách đạt thỏa thuận này nhiều năm nay rồi. Sẽ cứu hàng triệu sinh mạng”.
Theo các nhà phân tích, về góc độ tích cực, thỏa thuận ngừng bắn trên có thể sẽ ngăn chặn được một cuộc chiến đẫm máu ở phía Bắc Syria. Tuy nhiên, xét về lâu dài, thỏa thuận này hầu như không giải quyết được những căng thẳng gốc rễ, cũng như không thể đảo ngược cuộc tấn công vào lực lượng người Kurd ở Syria hiện nay.