Khả năng Anh rời Liên minh châu Âu: Cuộc “ly hôn” trắc trở
Thế giới - Ngày đăng : 07:52, 21/10/2019
Với kết quả 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ Oliver Letwin không ủng hộ thỏa thuận Brexit mới đạt được giữa Thủ tướng B.Johnson và các nhà lãnh đạo EU ngày 17-10 vừa qua cho đến khi chính thức thông qua một dự luật.
Bước đi trên đồng nghĩa với việc buộc ông B.Johnson phải đề nghị EU lùi thời hạn Brexit, qua đó gây khó khăn cho Thủ tướng Anh trong thực hiện kế hoạch rời EU một cách trật tự vào đúng ngày 31-10 tới.
Thủ tướng B.Johnson không muốn kéo dài thêm quá trình Brexit nhưng nhiều nghị sĩ trong quốc hội quan ngại về việc Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào có thể ảnh hưởng lớn đến quốc gia này. Họ đã thông qua một đạo luật buộc ông B.Johnson phải xin trì hoãn Brexit thêm 3 tháng, cho đến ngày 31-1-2020, để ngỏ khả năng sẽ có những lần trì hoãn tiếp theo.
Trước đó, vào ngày 17-10, Anh đã thành công trong quá trình đàm phán một thỏa thuận mới với EU. Thỏa thuận mới này đã giải quyết được điểm bế tắc chính trị trong thỏa thuận Brexit trước đó, cụ thể là vấn đề biên giới Ireland. Theo đó, văn kiện mới quy định Bắc Ireland vẫn sẽ nằm trong khu vực hải quan của EU, trong khi phần còn lại của nước Anh sẽ rút khỏi EU. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ bị yêu cầu kiểm tra thủ tục khi đi qua vùng biển Irish. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán trước đó dường như lâm vào ngõ cụt, truyền thông châu Âu đã gọi đây là một “phép màu”.
Dẫu vậy, “phép màu” này một lần nữa không xuất hiện tại Hạ viện Anh. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã kêu gọi các nghị sĩ bác bỏ dự thảo thỏa thuận này khi ông Corbyn cho rằng thỏa thuận Brexit mới "sẽ không giúp đoàn kết đất nước và nên bị bác bỏ". Ông cảnh báo những đề xuất mới của Thủ tướng B.Johnson có thể gây rủi ro đối với an toàn thực phẩm, cũng như nguy cơ hệ thống chăm sóc y tế công và miễn phí mà nước này ấp ủ rơi vào tay các tập đoàn tư nhân của Mỹ.
Các nhà phân tích nhận định, Thủ tướng Anh vẫn còn cơ hội thông qua được thỏa thuận Brexit và thực hiện đúng cam kết đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31-10, nếu Quốc hội Anh kịp thời phê chuẩn Luật áp dụng thỏa thuận. Do đó, Chính phủ của Thủ tướng B.Johnson có kế hoạch đệ trình dự luật vào đầu tuần này và có thể tổ chức nhiều phiên họp thâu đêm, với hy vọng thỏa thuận được thông qua trong thời hạn ngắn nhất.
Thách thức với Thủ tướng Anh lúc này là làm thế nào để cụ thể hóa được thỏa thuận Brexit đạt được với EU ngày 17-10 thành những điều luật thực thi chặt chẽ có thể được Hạ viện Anh chấp thuận trong phiên họp ngày 22-10 tới. Ông B.Johnson đã mất đi hai vũ khí quan trọng trong nỗ lực thông qua thỏa thuận và thực hiện Brexit trước ngày 31-10, đó là “đà chiến thắng” và áp lực đe dọa kịch bản Brexit không thỏa thuận với các nghị sĩ.
Việc chính phủ và quốc hội bất đồng quan điểm về Brexit đặt ra hai kịch bản có thể xảy ra cho cuộc "ly hôn" này là thỏa thuận được Quốc hội Anh phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Nếu nó được phê chuẩn thì nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 31-10 tới. Nếu Quốc hội Anh không phê chuẩn thỏa thuận ấy thì ông B.Johnson buộc phải đề nghị EU gia hạn thêm thời gian để xử lý Brexit. Thời hạn này có thể thêm 1 tháng hoặc 3 tháng.
EU đã phát đi tín hiệu là không đồng ý đàm phán lại một lần nữa với chính phủ Anh về Brexit nhưng sẵn sàng cho phía Anh thêm thời gian để xử lý Brexit. Dẫu vậy, những gì diễn ra trong hơn 3 năm qua trên chính trường Anh cho thấy chưa kịch bản nào được coi là chắc chắn khi các nhánh quyền lực đối đầu nhau một cách bế tắc như hiện nay.