Một cách giáo dục học sinh “cá tính”

Giáo dục - Ngày đăng : 07:06, 22/10/2019

(HNM) - Nhắc đến Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều người thường cho rằng, đây là ngôi trường chỉ tiếp nhận những học sinh cá biệt, thiếu ý thức, học kém và không ở đâu muốn nhận. Nhưng bằng phương pháp sư phạm riêng, những người thầy, người cô ở ngôi trường từng bị đọc trại là “Đinh Kinh Hoàng” này đã giúp nhiều học sinh trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội...

Với phương pháp giáo dục dựa trên nền tảng của sự yêu thương, tôn trọng, nhiều học sinh của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã trở thành những công dân có ích.

Với hơn 10.000 gia đình có con từng học ở Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, nơi đây thực sự là một mái ấm nâng đỡ các em vượt qua thời điểm khó khăn, khơi dậy niềm tin tưởng của biết bao ông bố, bà mẹ với những đứa con nghịch ngợm tưởng chừng như “hết thuốc chữa”. Những phương pháp giáo dục dựa trên nền tảng của sự tôn trọng, nhân văn của nhà trường đã cảm hóa được nhiều học sinh “cá tính” và đang dần lan tỏa.

Năm 1986, Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng ra đời với sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với mong muốn tìm ra cơ chế đặc biệt để giải quyết vấn đề giáo dục học sinh “cá tính”. Trường không chọn lọc đầu vào, sẵn lòng nhận những học sinh được xem là cá biệt, chưa ngoan hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt… Khó khăn, thiệt thòi của các em khi ấy khiến những người trong tập thể sư phạm nhà trường luôn nỗ lực, chủ động tìm cách tiếp cận, giúp học sinh mở lòng, từ đó tự nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, trở thành những công dân tốt. Cũng bởi thế, thay vì việc dạy cho các em tiến bộ bằng điểm số, trường Đinh Tiên Hoàng coi việc rèn đạo đức, nếp sống tốt, giúp các em trở thành người tử tế là mục tiêu chính.

“Việc quan tâm, tác động tới tình cảm, tạo động lực và thói quen tốt để giúp học sinh thay đổi nhận thức, hành vi là “chìa khoá” mang lại thành công trong việc cảm hóa học sinh “có cá tính” kể từ ngày đầu thành lập đến nay” - Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, người sáng lập ra mô hình Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng chia sẻ.

Coi trọng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, coi họ là những “hiệu trưởng con” với trách nhiệm phải bao quát, thấu hiểu từng hoàn cảnh, tính cách từng học sinh, kịp thời phát hiện, kiểm soát những vấn đề phát sinh trong lớp là giải pháp hiệu quả ở trường Đinh Tiên Hoàng và đã lan tỏa ở nhiều ngôi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cô giáo Nguyễn Lương Thiện, một trong những giáo viên chủ nhiệm của trường chia sẻ" "Ngoài việc bao quát, lắng nghe, chia sẻ để cảm hóa học sinh, tôi luôn hướng các em đến “5 tự”, gồm: Tự tin, tự trọng, tự học, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Kinh nghiệm từ 13 năm gắn bó với công tác giáo dục học sinh ở trường cho thấy, việc tôn trọng, đặt niềm tin để các em cảm thấy “mình có thể làm được” là cần thiết và đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với việc phê bình, mắng mỏ".

Từng là một học sinh “cá tính” đến mức không trường nào dám nhận, Nguyễn Quang Hưng, nguyên là học sinh khóa 2006-2009 của Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, nay là một kỹ sư, kể lại: Quá trình từ mặc cảm, tự ti, mất phương hướng để vươn lên thực sự là một hành trình đầy ắp tình thương, sự kiên trì của các thầy, cô giáo dành cho em và các bạn có chung trạng thái ở trường. Các thầy giáo, cô giáo đã không ngừng động viên, khích lệ và đặt niềm tin, khiến em tin rằng mình có thể thay đổi bản thân, từ đó quyết tâm nỗ lực để cải thiện tình hình.

Đề cao trách nhiệm nêu gương của nhà giáo là kinh nghiệm mà cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy học được từ người sáng lập Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng và những trải nghiệm thực tế. “Giáo dục học sinh phải bắt đầu bằng việc làm gương từ chính mỗi nhà giáo. Kết quả của công tác giáo dục học sinh phụ thuộc nhiều vào nhân cách của người thầy, hơn cả những lời nói, bài giảng hay” - cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ.

Không gò ép học sinh vào các mô hình nhân cách lý tưởng một cách chủ quan mà tôn trọng, kiên trì giáo dục học sinh bằng nhân cách, đạo đức của chính mỗi nhà giáo và nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc để học sinh thực sự hạnh phúc khi tới trường là mục tiêu, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học 2019-2020. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo nỗ lực không ngừng về mọi mặt để hoàn thiện mình, trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo, đồng thời chung tay xây dựng trường học hạnh phúc để giúp học sinh luôn cảm thấy hạnh phúc với các giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Minh Đức