Bốn điều khiến văn hóa doanh nghiệp quan trọng hơn bạn nghĩ
Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 10:59, 23/10/2019
Ở góc độ quản lý, có một khái niệm quan trọng hơn, đó là kiến tạo và quản lý văn hóa doanh nghiệp - một điều còn khá mới mẻ và đôi khi còn chưa được coi trọng, nhất là tại những công ty quy mô nhỏ. Bài viết dưới đây sẽ phân tích lý do tại sao văn hóa doanh nghiệp lại quan trọng và các nhà quản lý nên vận dụng yếu tố này như thế nào nhằm gia tăng giá trị cho tổ chức của mình.
Văn hóa góp phần tạo nên “thương hiệu nhà tuyển dụng”
Xây dựng nên một văn hóa làm việc độc đáo, đầy hứng khởi và thu hút chính là cách mà những tập đoàn công nghệ lớn như Google hay Microsoft thu hút hàng nghìn nhân tài mỗi năm, bất chấp những phúc lợi đầy cạnh tranh từ những công ty khác. Những người giỏi và trẻ tuổi đặc biệt khao khát được chứng tỏ mình trong một môi trường độc đáo nơi có văn hóa doanh nghiệp đặc sắc. Nói cách khác, văn hóa chính là công cụ để xây dựng nên “thương hiệu nhà tuyển dụng” của doanh nghiệp. Một thương hiệu lớn, mạnh sẽ tạo ra một đội ngũ nhân viên đầy tự hào, tạo ra một nơi làm việc đáng mơ ước. Đây là những giá trị rất to lớn đối với bất kỳ nhà tuyển dụng nào.
Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng làm việc
Bất kỳ một ứng viên tìm việc nhanh nào khi được hỏi đều sẽ khẳng định rằng họ làm việc hiệu quả và năng suất nhất trong một môi trường mà họ thấy thoải mái, với một bầu không khí phù hợp với tính cách của họ. Trái lại, khi rơi vào một môi trường với văn hóa không phù hợp, nhân sự đó sẽ khá chật vật để thích nghi hoặc sẽ phải ra đi sớm. Việc kiến tạo nên một văn hóa doanh nghiệp rõ nét và đồng nhất sẽ phần nào đóng vai trò như một “tấm lưới lọc” những thành viên không phù hợp của tổ chức, đồng thời thúc đẩy hiệu suất của những cá nhân phù hợp nhất. Nghiên cứu cũng cho thấy, những nhân viên hòa hợp với văn hóa nơi họ làm việc thường hạnh phúc hơn, nhiều cảm hứng hơn và vì thế có chất lượng làm việc cao hơn.
Văn hóa chính là cái nôi của giá trị doanh nghiệp
Nếu nghiên cứu sâu hơn về văn hóa doanh nghiệp, sẽ không khó để nhận ra những giá trị cốt lõi có được sẽ tùy thuộc vào bản chất của nét văn hóa đó. Nếu như công ty với “văn hóa gia đình” đem đến lòng trung thành, niềm tin và sự gắn kết giữa mọi người, thì ở một thái cực khác, văn hóa cạnh tranh sẽ đặc biệt đề cao hiệu quả làm việc, sự thi đua, ủng hộ cái tôi và bản sắc của từng cá nhân. Văn hóa sáng tạo, mặt khác lại được biết tới như một nơi đầy thách thức, không ngại rủi ro và luôn tìm kiếm sự khác biệt, là nơi mà những thứ mới mẻ sẽ được chào đón nhiệt liệt. Rõ ràng, văn hóa doanh nghiệp với những bản sắc và tư tưởng mà nó tạo ra cho đội ngũ của mình, là cái nôi tạo ra những giá trị cốt lõi ảnh hưởng không nhỏ đến cách thức vận hành, sản phẩm và sự thành công của chính doanh nghiệp đó.
Văn hóa doanh nghiệp là chất keo gắn kết mọi người
Đối với các nhà quản lý, việc xây dựng một văn hóa riêng cho tổ chức của mình còn đóng vai trò như một chất keo gắn kết mỗi thành viên. Sự thoải mái và an toàn khi những nhân viên của họ được ở trong một môi trường gồm những người tương đồng chính là sợi dây kết nối mạnh mẽ giữ họ ở lại với tổ chức. Nếu tận dụng khéo léo điều này, bạn sẽ xây dựng được một đội ngũ đoàn kết, thống nhất và gắn bó với nhau và đây chính là yếu tố cốt lõi để đưa doanh nghiệp của bạn tiến xa hơn nữa trên con đường đi tới thành công.
Rõ ràng, văn hóa doanh nghiệp đem lại cho những nhà quản lý một công cụ quan trọng để tạo ra những giá trị, kết nối với nhân viên và “tô” lên tổ chức của mình một bản sắc riêng biệt. Sẽ là rất lãng phí nếu như họ không tận dụng điều này, hay thậm chí sẽ khá nguy hiểm nếu doanh nghiệp của họ đang tồn tại một thứ văn hóa tiêu cực, độc hại nhưng không được điều chỉnh. Tất cả phụ thuộc rất nhiều vào từng thành viên dù là nhỏ nhất để có thể kiến tạo nên một bản sắc đẹp, văn minh cho chính tổ chức của mình.