Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thời điểm thích hợp sẽ giảm 4 giờ làm/tuần
Đời sống - Ngày đăng : 17:44, 23/10/2019
Để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động và chăm sóc gia đình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra đề xuất giảm thời gian làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ và tăng một số ngày nghỉ lễ trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Người lao động sẽ có thêm hơn 200 giờ/năm để nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình?
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội trước phiên thảo luận ngày 23-10, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần hết sức cân nhắc.
Nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Từng có 10 năm làm việc ở doanh nghiệp với gần 5.000 lao động, đại biểu Phùng Thị Thường (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, bà rất hiểu người lao động.
"Xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của xã hội. Do đó đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ/tuần, không tăng giờ làm thêm tối đa” - đại biểu kiến nghị.
Nữ đại biểu này cho biết đã chứng kiến đời sống của công nhân lao động vất vả, làm việc mỗi ngày từ 10-12 giờ trong nhà máy, không biết gì đến đời sống bên ngoài. Khi họ trở về nhà cũng là lúc con cái đã ngủ. “Cho nên, chúng ta không nên đặt gánh nặng tăng trưởng lên đôi vai người lao động" - đại biểu Phùng Thị Thường nói.
Tương tự, đại biểu Đoàn Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn mong muốn Quốc hội sẽ giảm giờ làm việc của người lao động xuống 44 giờ/tuần.
Theo đại biểu, nếu giảm 4 giờ làm/tuần, người lao động sẽ có thêm hơn 200 giờ/năm để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình. Và đã giảm được hơn 200 giờ làm/năm thì việc tăng khung giờ thỏa thuận làm thêm từ 300 lên 400 giờ/năm không còn quan trọng.
Vì việc giảm 4 giờ làm/tuần sẽ tác động đến hàng chục triệu lao động trong khi việc tăng 100 giờ làm thêm chỉ tác động nhóm người có nhu cầu, có sức khỏe, ở cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu làm thêm giờ, tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm.
“Việc giảm 4 giờ làm/tuần có thể tác động đến doanh nghiệp, đến thu ngân sách nhà nước nhưng đây cũng là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc, công nghệ để nâng cao năng suất lao động, bắt kịp thời đại” - đại biểu Đoàn Hà Nội nêu thêm.
Vấn đề lớn, hệ trọng nên cần tiếp tục nghiên cứu
Phát biểu về nội dung này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người lao động, coi đây là đối tượng được thụ hưởng đầu tiên những thành quả do chính họ làm nên và những thành tựu kinh tế - xã hội.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TƯ, từ năm 2021 trở đi, mục tiêu của chúng ta đặt ra là tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
“Như vậy là lương của cán bộ, công chức, viên chức và lương của khu vực doanh nghiệp sẽ tiếp cận nhau. Đây là một trong những căn cứ để chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu để điều chỉnh giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu.
Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, Việt Nam là một trong 46 quốc gia đang thực hiện chế độ làm việc 48 giờ/tuần. Nhưng theo đánh giá về thu nhập trên đầu người thì Việt Nam cao hơn 66 quốc gia (công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế vào năm 2018). Ngay cả Myanmar, quốc gia có thu nhập đầu người thấp hơn Việt Nam, cũng đã thực hiện chế độ làm việc dưới 44 giờ/tuần. Đây là vấn đề chúng ta cần tham khảo.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế có liên quan. Bản bình luận kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã nhận định, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã phù hợp cơ bản với các nội dung của ILO, đồng thời phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Trước nhiều ý kiến đề xuất giảm thời gian làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, đây là vấn đề lớn, sẽ có tác động đến tất cả chủ thể liên quan, nên cần được nghiên cứu, đánh giá, lượng hóa cụ thể.
Theo Bộ luật Lao động hiện hành, thời gian làm việc là 48 giờ/tuần và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện 40 giờ/tuần. Hiện nay, Việt Nam đang có 89,6% doanh nghiệp thực hiện 48 giờ/tuần, 3,6% thực hiện 44 giờ/tuần và còn lại là 40 giờ/tuần.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, trong 10 nước ASEAN thì có 8 nước bố trí lao động làm việc 48 giờ/tuần như Việt Nam. Nếu giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, tổng thời gian làm việc trong một năm sẽ giảm đi 208 giờ, tổng chi phí lao động tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm khoảng 20 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước sẽ giảm 0,5%.
“Đây là vấn đề lớn, hệ trọng với quốc gia nên Bộ trưởng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đến thời điểm thích hợp thì sẽ tiến hành giảm giờ làm”, Bộ trưởng nêu.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, với trách nhiệm cao, các vị đại biểu đã thảo luận sôi nổi với 48 ý kiến phát biểu tại hội trường và 6 ý kiến tranh luận.
Với các ý kiến trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau như, tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung giờ làm thêm, giảm giờ làm trong tuần, tăng một ngày nghỉ có hưởng lương trong năm và một số vấn đề kỹ thuật trong xây dựng luật…
Tất cả các ý kiến đóng góp đã được cơ quan chủ trì tiếp thu nghiêm túc. Với các nội dung còn ý kiến khác nhau sẽ được xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi dự án Bộ luật Lao động được biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.