Cẩn trọng định nghĩa “người có tài năng”, tránh kẽ hở nguy hiểm
Đời sống - Ngày đăng : 12:02, 24/10/2019
Tán thành bổ sung “người có tài năng trong hoạt động công vụ”
Sáng 24-10, tiếp tục kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, "người có tài năng" là khái niệm rất rộng; tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực, các tiêu chí và yêu cầu đối với "người có tài năng" không giống nhau. Vì vậy, việc xây dựng một khái niệm chung về "người có tài năng" trong Luật này là khó khả thi.
Trong phạm vi của Luật đã bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.
Phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) thống nhất việc bổ sung khái niệm "người có tài năng trong hoạt động công vụ" và quy định về chính sách đãi ngộ người có tài năng, gắn với quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Đại biểu nêu thực tiễn, nhiều cấp, ngành đã ban hành chính sách để thu hút nhân tài, cấp kinh phí đào tạo cho họ ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên, do chính sách hiện hành khá ràng buộc nên nhiều nhân tài được thu hút hoặc nhiều du học sinh sau khi ra trường không thể làm việc ở cơ quan nhà nước do không đỗ ở kỳ thi công chức hoặc do các cơ quan phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ không còn vị trí việc làm để tuyển dụng.
“Thực tế ấy làm lãng phí tiền của đào tạo, lãng phí chất xám và tuổi thanh xuân đang hừng hực muốn cống hiến cho xã hội của những người có năng lực”, đại biểu cho biết.
Cùng tán thành quy định chính sách với những người có tài trong hoạt động công vụ, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, chính sách này nếu được thực hiện tốt, bảo đảm tinh thần trọng dụng người có tài thì sẽ thu hút nhiều người có tài năng phục vụ trong bộ máy thực thi công vụ của Nhà nước và chất lượng thực thi công vụ được nâng lên vì được thực hiện bởi những người có tài năng.
Thực tế cho thấy những người có tài năng thường không hay đòi hỏi chính sách cho mình. Họ thường chú tâm làm việc vì tinh thần trách nhiệm, vì đam mê công việc nên để thực hiện đúng bản chất của việc trọng dụng người tài, cần bổ sung quy định trong dự án Luật cơ chế phát hiện người có tài năng, cơ chế ràng buộc với người có trách nhiệm thực hiện chính sách trọng dụng người tài; đồng thời, cần quy định xử lý trách nhiệm nếu vi phạm, không thực hiện chính sách đối với người có tài năng.
Cẩn trọng với các kẽ hở nguy hiểm trong định nghĩa người tài
Khái niệm người có tài năng trong hoạt động công vụ được nêu tại khoản 1 Điều 6 dự án Luật “là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được” nhận được nhiều ý kiến góp ý, tranh luận của các đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, để hiểu đúng về “người có chuyên môn vượt trội” trong thực tế rất khó. Với cách nhìn nhận này, người không có khả năng vượt trội nhưng có nhiều đóng góp cho cơ quan, tổ chức chưa chắc được ghi nhận là người tài.
“Nếu cứ quy định có năng lực vượt trội thì rất có thể là kẽ hở để đưa công chức thuộc diện “con cháu các cụ cả” ("5c" - PV) vào hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ. Tôi nghĩ rằng điều cần nhất với cấp dưới và người lao động là ý thức trách nhiệm trong công việc. Công chức có xuất chúng, có tài năng nhưng không có ý thức trách nhiệm thì không để làm gì cả”, đại biểu nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) ví von: "Nhân tài muốn phát triển cần có môi trường tốt, giống như hạt giống tốt gieo vào đất tốt thì mới đơm hoa kết trái, tạo vụ mùa bội thu".
“Tuy nhiên, hạt giống tốt, đất tốt nhưng tâm không tốt thì sao? Có những người giỏi, vào môi trường rất tốt, nhưng họ không có đủ nhiệt huyết, không đưa ra cống hiến, đề tài tốt cho xã hội. Thậm chí, có người hội đủ 3 nhân tố vừa giỏi, có môi trường, có nhiệt huyết nhưng cái tâm gốc họ chỉ phục vụ cho cá nhân, cho quyền lợi nhóm thì liệu họ có là người tài chúng ta công nhận không? Câu trả lời là không” - đại biểu nói và đúc kết: Một nhân tài phải tổng hòa các yếu tố: Giỏi, có tâm, chí công vô tư, đầy đủ nhiệt huyết, đóng góp cho tập thể, tổ chức, cho đất nước.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cũng thẳng thắn nhận xét, khái niệm về "người có tài năng trong hoạt động công vụ" tại dự án Luật còn mang tính chung chung và nếu không được quy định, giám sát chặt chẽ thì rất có thể sẽ “mở đường” cho người gian lận thi cử được đánh giá là "người có tài năng". Điều này tạo kẽ hở hết sức nguy hiểm.
“Bởi họ là người có điều kiện về kinh tế, sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để mua điểm, được tuyển dụng hợp pháp vào cơ quan Nhà nước. Và từ đó, gia đình sẵn sàng bỏ thêm tiền để họ ổn định công việc và đi lên”, nữ đại biểu nêu.
Do đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người có đức, có tài, là cán bộ công bộc của dân, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư… để có định lượng cụ thể hơn về "người có tài trong hoạt động công vụ".
Để bảo đảm được cả hai yếu tố “tài” và “đức” với "người có tài năng trong hoạt động công vụ", đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Đoàn Ninh Thuận) nêu cách định nghĩa mới: “Người tài là người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vượt trội, được xã hội, tổ chức, cơ quan nhìn nhận, có đóng góp lớn, hiệu quả cho đất nước, cho nhân dân”.
Tiếp thu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, 21 ý kiến phát biểu và 18 ý kiến tranh luận tại hội trường thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của đại biểu đối với đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, đặc biệt với nội dung mới bổ sung về “người có tài năng trong hoạt động công vụ”.
“Đưa ra khái niệm về "người có tài năng" trong tổng thể chung ngành, nghề, lĩnh vực rất khó. Do đó, tại phương án trình Quốc hội lần này, trong phạm vi giới hạn của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chỉ quy định người có tài năng với đối tượng là cán bộ công chức và giao Chính phủ quy định khung chính sách và chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài vào làm việc trong cơ quan, hệ thống chính trị”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải trình.
Trước nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ cơ quan và người có thẩm quyền xác định "người có tài năng trong hoạt động công vụ" và khung chính sách với đối tượng này, Bộ trưởng cho biết, trong dự thảo Nghị định gửi đại biểu, ban soạn thảo dự kiến quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc rà soát, phát hiện người có tài năng trong hoạt động công vụ của đơn vị và khung chính sách tập trung vào các lĩnh vực như đào tạo, bồi dưỡng; sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm; chế độ tiền lương, phúc lợi… Đây là chính sách khung, tạo cơ sở để các cơ quan, đơn vị sử dụng có chính sách cụ thể đãi ngộ người có tài năng ở đơn vị, cơ quan mình.