Cảnh giác với sốt xuất huyết khi vào mùa cao điểm
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:24, 25/10/2019
Vẫn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong những tuần gần đây, số ca mắc mới sốt xuất huyết được ghi nhận trên toàn thành phố vào khoảng 800 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 8.000 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chưa có trường hợp tử vong. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, như: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, theo chu kỳ đỉnh dịch sốt xuất huyết thường diễn ra vào tháng 10 và 11 hằng năm. Do đó, dự báo những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tăng. Thêm vào đó, các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ...
Qua giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết của Sở Y tế Hà Nội tại một số xã, phường có tình hình dịch phức tạp đều ghi nhận chỉ số côn trùng truyền bệnh còn cao. Trong khi đó, hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy chưa hiệu quả. Nguyên nhân chính là các xã, phường chưa thành lập đội xung kích hoặc đội xung kích đã thành lập nhưng hoạt động không thường xuyên, thiếu kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, việc phun hóa chất tại các ổ dịch còn chưa triệt để, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất còn thấp do hộ gia đình đi vắng hoặc không hợp tác với nhân viên y tế. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, mặc dù được tuyên truyền, hướng dẫn nhưng người dân còn thờ ơ, chưa tự thực hiện diệt bọ gậy trong chính hộ gia đình của mình mà còn trông chờ vào nhân viên y tế.
Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lưu ý về việc phân tuyến điều trị sốt xuất huyết để hạn chế chi phí cho người bệnh và giảm quá tải bệnh viện. Riêng với các trường hợp bệnh nhẹ, được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở thì cần phải được theo dõi chặt chẽ và phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo (sốc) xảy ra để xử trí kịp thời. Với người bệnh, nếu được chỉ định điều trị ngoại trú, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ. Khi có một trong các dấu hiệu sau: Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù giảm sốt hoặc hết sốt; không ăn, uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không đi tiểu trên 6 giờ; biểu hiện hành vi thay đổi lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì thì cần tái khám ngay để nhập viện điều trị kịp thời.
Quyết tâm khống chế dịch bệnh
Thành phố Hà Nội đang đặt ra mục tiêu, phấn đấu hết tháng 11-2019 sẽ khống chế được dịch bệnh sốt xuất huyết. Do đó, ngay tại thời điểm này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát dịch, triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất. Mặt khác, huy động cán bộ y tế đáp ứng tối đa cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các ổ dịch có diễn biến kéo dài.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để phát hiện sớm bệnh nhân, các đơn vị cần tăng cường điều tra, giám sát phát hiện bệnh nhân tại khu vực có ổ dịch, đồng thời tổ chức giám sát tại các cơ sở y tế ít nhất 3 lần/tuần. Cùng với đó, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp bệnh nhân xuất hiện đầu tiên tại các khu vực chưa có ổ dịch. Phối hợp với các cơ sở điều trị, bệnh viện trên địa bàn thu thập vận chuyển mẫu bệnh phẩm bệnh nhân sốt xuất huyết về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để xét nghiệm chẩn đoán. Đồng thời, bảo đảm khoanh vùng ổ dịch xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế, phun hóa chất ít nhất 90% số hộ trong khu vực ổ dịch...
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, trong tháng 10 và tháng 11-2019, tại các xã, phường tiếp tục triển khai các chiến dịch diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất. Ngoài ra, tổ chức tập huấn lại và thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích tại các xã, phường. Riêng các xã, phường đang có ổ dịch hoặc liên tục xuất hiện thêm những bệnh nhân mới, hằng tuần sẽ tổ chức diệt bọ gậy, phun hóa chất. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường. Dự kiến, sẽ có 86 chiến dịch vệ sinh môi trường và 40 chiến dịch phun hóa chất diện rộng được thực hiện tại 15 quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng. Tại các tổ dân phố cần tổ chức họp để thông báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và trách nhiệm của người dân trong phòng chống dịch bệnh.