Xác định rõ tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán
Kinh tế - Ngày đăng : 17:56, 25/10/2019
Quy định chặt chẽ, tránh cách hiểu, vận dụng khác nhau
Chiều 25-10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.
Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu, dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy quy định khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khi áp dụng dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán, vượt ra ngoài phạm vi là đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, cách vận dụng khác nhau, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, dự án Luật trình Quốc hội kỳ này đã bổ sung quy định trong trường hợp cần kiểm tra, đối chiếu thì phải đưa vào kế hoạch do trưởng đoàn kiểm toán duyệt.
Ngoài ra, dự án Luật cũng bổ sung quy định KTNN chỉ được kiểm tra, đối chiếu để làm rõ các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán; bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN, quyền được khiếu nại về hành vi của thành viên đoàn kiểm toán, về kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng KTNN.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, quy định như dự thảo Luật phần nào đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo tính chặt chẽ, tránh cách hiểu và vận dụng khác nhau trong thực tế, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn Bắc Giang) và đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Đoàn Hải Dương) đều thống nhất, đây không phải là nội dung mới nhưng do Luật KTNN năm 2015 chưa quy định rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nên khi thực hiện gặp khó khăn. Ngoài ra, việc chưa xác định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và KTNN đã ảnh hưởng đến tính khả thi và minh bạch của Luật. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo bổ sung như vậy là phù hợp.
Giải trình thêm một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm cuối phiên thảo luận, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nói rõ: Về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Luật KTNN 2015 có quy định về đối tượng kiểm toán và có đề cập đến các tổ chức, cá nhân liên quan nhưng chưa có khái niệm nói rõ về các đối tượng này nên trong quá trình kiểm toán, KTNN gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, KTNN đề nghị xác định rõ tổ chức, cá nhân liên quan là tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và liên quan trực tiếp đến đơn vị được kiểm toán.
Bí mật của doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân được bảo đảm
Về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng nêu quan điểm, việc bổ sung quyền này là rất cần thiết, giúp hoạt động kiểm toán thuận tiện hơn, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) đề nghị, quy định rõ quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia của KTNN.
Tiếp thu ý kiến đại biểu về nội dung này, Tổng KTNN phân tích, trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều sử dụng dữ liệu điện tử, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử và báo cáo điện tử. Điều đó đòi hỏi KTNN phải bắt kịp xu hướng đó.
“Trước đây, các đơn vị được kiểm toán cung cấp dữ liệu bằng giấy, nhưng bây giờ dùng dữ liệu điện tử thì KTNN phải được cung cấp các hồ sơ, tài liệu điện tử đó để kiểm tra mức độ chính xác của các số liệu, dữ liệu đó”, ông Hồ Đức Phớc lý giải.
Tổng KTNN cho rằng, điều lo lắng nhất của đại biểu là vấn đề bí mật của doanh nghiệp, đơn vị, bí mật cá nhân. Tuy nhiên, điều này không đáng ngại vì khi KTNN muốn truy cập vào dữ liệu điện tử của một cơ quan, tổ chức thì phải được cơ quan đó đồng ý, cung cấp tài khoản.
Thứ hai là phải thống nhất về phạm vi, nội dung giới hạn truy cập.
Thứ ba, trưởng đoàn kiểm toán phải chịu trách nhiệm về bảo mật và các quy định pháp luật có liên quan và nếu ủy quyền cho kiểm toán viên thì kiểm toán viên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ủy quyền cũng phải chịu trách nhiệm như người được ủy quyền.
Thứ tư, KTNN chỉ lấy dữ liệu, tài liệu phục vụ cho nội dung kiểm toán, không lấy các dữ liệu khác, kể cả dữ liệu điện tử quốc gia cũng phải được cấp tài khoản và quy định về thời gian, nội dung, giới hạn được truy cập.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 11 đại biểu cho ý kiến sâu về các nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.